Thấy gì từ những động thái chiến lược của châu Âu ở châu Á - Thái Bình Dương?
VOV.VN - Những động thái mới của châu Âu phản ánh sự chuyển động mạnh mẽ trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngày 16/9 vừa qua, các nước Anh, Pháp, Đức (E3), đã gửi một công hàm lên LHQ phản đối những yêu sách phi lý về đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông. Trước đó, từ năm 2018 châu Âu cũng đã có những bước đi theo hướng chủ động tích cực với chiến lược đối ngoại “Kết nối Âu-Á”. Động thái mới đây của E3 có thể là những bước đi triển khai chiến lược, nhằm khẳng định vị thế của châu Âu trong cấu trúc an ninh khu vực và toàn cầu, khiến giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm.
Lợi ích chiến lược
Tại ASEM-12, châu Âu đã chính thức đưa ra một tầm nhìn mới với tên gọi Chiến lược Kết nối Âu-Á. Nội dung cốt lõi trong chiến lược là sự liên kết nhiều cái riêng lẻ với nhau thành mạng lưới để có thể vươn ra xa hơn, tận dụng mọi tiềm lực và khả năng ở đó.
Chiến lược Kết nối được xác định với 3 tiêu chí cơ bản: (1) bền vững, (2) toàn diện, (3) dựa trên những nguyên tắc quốc tế. Theo đó, Chiến lược Kết nối Âu-Á được triển khai nhằm tập hợp lực lượng trên thế giới, thúc đẩy hợp tác và liên kết liên châu lục để đối phó với xu hướng bảo hộ thương mại.
Chiến lược Kết nối Âu-Á còn cho thấy môi trường chính trị và kinh tế đối ngoại mới đang hình thành giữa châu Âu và các quốc gia châu Á với những điều kiện thuận lợi mới, giúp hai châu lục xích lại gần nhau hơn, nhất là sự tiếp nhận và khai thác của ASEAN.
Đại diện ngoại giao của châu Âu, bà Federica Mogherini cho biết, đây là “bước đi rất quan trọng” của châu Âu sau nhiều chỉ trích rằng, khối này phản ứng chậm chạp trước chiến lược “quyền lực mềm” của các cường quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với chiến lược này, châu Âu đã phát đi tín hiệu rằng, châu Âu đang là một phần của “cuộc chiến” cạnh tranh và hợp tác tại khu vực. Chiến lược Kết nối Âu-Á là một hướng tiếp cận khác với việc nhấn mạnh đến các yếu tố bền vững, bảo đảm rằng các khoản đầu tư sẽ tôn trọng quyền lao động, không tạo ra những phụ thuộc về chính trị hoặc tài chính.
Theo giới chuyên gia, Chiến lược Kết nối Âu-Á phản ánh xu thế vừa hợp tác, vừa cạnh - đấu tranh chiến lược giữa các cường quốc trên thế giới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi được dự báo là sẽ phát triển năng động nhất thế giới trong thế kỷ XXI.
Khẳng định vị thế của châu Âu
Về kinh tế, ngày 30/6/2019, tại Hà Nội (Việt Nam) và Hội đồng Châu Âu (EC) đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa EU và Việt Nam, hai Hiệp định nêu trên đã tạo ra bước đột phá để châu Âu thực thi Chiến lược Kết nối Âu-Á hướng tới mục tiêu trong Chiến lược toàn cầu của châu Âu trong thế kỷ XXI.
Về thương mại quân sự, Pháp và Đức là 2 quốc gia có thị phần lớn nhất trong khu vực. Trong đó, Paris đang đặt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ và vượt Nga trong vài năm tới; còn Berlin cũng đề cập đến doanh số bán vũ khí của họ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong giai đoạn 2005-2015, Pháp dẫn đầu doanh số bán vũ khí cho châu Á với tổng giá trị 9,6 tỷ USD; xếp thứ hai là Đức với 7,1 tỷ USD. Các nước tiếp theo là Anh với 4,7 tỷ USD, Thụy Điển với 2,4 tỷ USD, Tây Ban Nha với 2,1 tỷ USD, Italy với 1,9 tỷ USD và Hà Lan với 1,1 tỷ USD.
Về vấn đề địa-chính trị, trong Nhóm E3, có Anh và Pháp là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là các cường quốc hạt nhân và có lực lượng hải quân tác chiến xa bờ. Ngoài ra, họ còn có các quyền sở hữu lãnh thổ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cùng những đối tác đầu tư và thương mại quan trọng.
Một số nước thành viên EU đã gia tăng sự hiện diện hải quân để duy trì quyền tự do hàng hải trên khu vực Biển Đông, góp phần duy trì môi trường an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên vùng biển này. Đồng thời, coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN.
Với nước Anh, hồi tháng 7 năm nay đã có kế hoạch đưa tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth trị giá 3,9 tỷ USD và là chiến hạm lớn nhất lịch sử hải quân Anh, đến Biển Đông, nhằm phô diễn sức mạnh cũng như ủng hộ các đối tác quốc tế, bao gồm cả Mỹ.
Năm 2017, ông Johnson khi đó còn giữ chức Ngoại trưởng Anh đã cho rằng, London có khả năng sẽ triển khai tàu sân bay lớn nhất của họ đến Biển Đông vào năm 2021 và họ đang trong giai đoạn hoàn thiện kế hoạch có tính tới khả năng đáp trả của các nước lớn khu vực.
Ngày 13/7, Anh đã ra lệnh cấm tập đoàn viễn thông Huawei tham gia phát triển mạng 5G. Họ cũng vạch ra lộ trình thuận lợi hơn cho khoảng 3 triệu cư dân Hong Kong (Trung Quốc) nhập quốc tịch Anh, sau khi Trung Quốc ban hành luật an ninh mới tại đặc khu hành chính này hồi cuối tháng 6.
Với nước Pháp, ngay từ năm 2018, Tổng thống Macron đã để mắt đến Trung Quốc với cách tiếp cận chủ động hơn. Trong chuyến công du Ấn Độ - Thái Bình Dương, ông Macron kêu gọi các liên minh chiến lược mới, bao gồm Pháp - Australia - Ấn Độ bảo toàn tính tự do và cởi mở của khu vực.
Theo đó, Pháp cũng đã tăng cường các cam kết chiến lược với việc mở rộng quan hệ kinh tế và quốc phòng với Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Các hợp đồng tàu ngầm trị giá 50 tỷ USD với Australia và máy bay tiêm kích trị giá 9,4 tỷ USD với Ấn Độ cũng đã được tiến hành. Trước đó, năm 2019, Pháp cũng đã công bố Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Với nước Đức, hồi đầu tháng 9 năm nay cũng đã cho công bố bản chỉ dẫn chính sách dài 40 trang nhằm “đóng vai trò quan trọng hơn trong việc định hình trật tự quốc tế tại Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Sự cọ sát giữa các chiến lược tại khu vực
Theo giới quan sát, những năm gần đây, xu thế đa cực hóa thế giới và cấu trúc an ninh toàn cầu đang trong quá trình định hình, ngày càng rõ nét hơn. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang có sự chuyển động mạnh mẽ với sự xuất hiện của các nhân tố mới, nhất là việc triển khai chiến lược của các nước ngoài khu vực.
Cùng với Chiến lược “Kết nối Âu-Á” của châu Âu, còn có “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ; “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc; “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ; thoát khỏi “Hiến pháp Hòa bình-1947” của Nhật Bản; “Cường quốc hạng trung” của Australia, Hàn Quốc; và vai trò “Trung tâm” của ASEAN...
Theo đó, Mỹ tiếp tục chính sách an ninh theo hướng cứng rắn hơn với việc thay đổi về cấu trúc an ninh do Mỹ đứng đầu và mối quan hệ đồng minh trong khu vực. Đồng thời, Washington cũng thúc đẩy hình thành mạng lưới liên kết đa phương tìm kiếm thêm đối tác nhằm cạnh tranh trực diện với các nước lớn nhằm giữ ngôi vị số 1 thế giới chi phối châu Á - Thái Bình Dương trước nguy cơ lấn lướt của một số quốc gia.
Nhật Bản chủ trương ưu tiên “cải thiện môi trường an ninh khu vực”, “đóng vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết tranh chấp”, nhằm phục hồi kinh tế, bảo đảm an ninh hàng hải và mở rộng ảnh hưởng tại khu vực. Tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, thúc đẩy hợp tác với Australia, Ấn Độ và các nước ASEAN.
Ấn Độ đang trong giai đoạn thay đổi căn bản trong chính sách kinh tế và đối ngoại. Theo đó, chính sách “Hành động hướng Đông” đang trở thành chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” của chính phủ Thủ tướng Modi với mục tiêu bao trùm cả khu vực phía Tây Ấn Độ Dương, các nước vùng Vịnh, các quốc đảo trên biển Arab và châu Phi.
Australia với chính sách đối ngoại và quốc phòng đã được chuyển hướng tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhằm các mục tiêu: (1) Định hình môi trường chiến lược; (2) Ngăn chặn các hành động phá hoại; (3) Sẵn sàng triển khai lực lượng quy mô lớn khi cần thiết.
Liên bang Nga đang chuyển hướng chiến lược nhằm kiềm chế Mỹ, cân bằng với Trung Quốc, xử lý ổn thỏa quan hệ với Nhật Bản cũng như tìm lại vị thế cường quốc trong cục diện mới của thế giới, khu vực, biến Nga trở thành siêu cường liên lục địa, cạnh tranh trực diện với Mỹ ở cấp độ toàn cầu và khu vực, nhất là ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Canada cũng đang theo đuổi các chiến lược hướng đến châu Á - Thái Bình Dương và tìm kiếm cơ hội hợp tác hợp tác tại khu vực này. Từ năm 2018, Canada đã nhận thức rất rõ rằng trọng tâm kinh tế trên thế giới đang dịch chuyển về châu Á. Theo đó, Canada đã tham gia chương trình tự do hoạt động hàng hải do Mỹ tiến hành ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Như vậy, những động thái mới của châu Âu đang phản ánh sự chuyển động mạnh mẽ trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương - từ định hướng sang định hình, khiến sự cọ sát chiến lược giữa các nước, các nhóm nước tại khu vực diễn ra ngày càng phức tạp và quyết liệt hơn./.