Thế đối đầu tại Syria ngày càng gia tăng
(VOV) - Phe đối lập đã bầu được Thủ tướng lâm thời – động thái được cho là có thể đóng sập cánh cửa đàm phán.
Cuộc khủng hoảng tại Syria đang có những diễn biến ngày càng phức tạp. Phe đối lập tại nước này hôm 18/3 đã bầu ra được một Thủ tướng chính phủ lâm thời vừa được lực lượng này thành lập, trong khi ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng đã lan sang các quốc gia láng giềng. Trong bối cảnh này, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các bên liên quan xem xét tới khía cạnh nhân đạo hơn là tìm mọi cách làm gia tăng căng thẳng hiện nay.
Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn một nguồn tin quân sự Lebanon cho biết, hôm 18/3 lần đầu tiên các máy bay chiến đấu của Syria đã oanh tạc xuống khu vực miền Bắc Lebanon, làm dấy lên những lo ngại rằng cuộc xung đột Syria có khả năng lan sang quốc gia láng giềng này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy sự leo thang căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Syria và Lebanon. Chính phủ Pháp cũng lên án các vụ không kích này, gọi đây là một sự leo thang căng thẳng và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Lebanon.
Phiến quân Syria (ảnh: CNN) |
Cùng ngày, Liên minh Dân tộc Syria (SNC), lực lượng đối lập chính tại Syria, đã bầu ông Ghassan Hitto, một giám đốc trong lĩnh vực truyền thông từng sống nhiều năm ở Mỹ, làm Thủ tướng chính phủ lâm thời lãnh đạo các khu vực hiện đang kiểm soát ở nước này. Dù vẫn còn nhiều chia rẽ trong nội bộ phe đối lập, song kết quả này đã cho thấy quyết tâm của lực lượng này muốn đi đến cùng trong cuộc đối đầu với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại và cho rằng, việc thành lập một chính phủ đối lập có thể đóng sập cánh cửa đàm phán và làm cho xung đột tại Syria căng thẳng hơn. Phái viên quốc tế về Syria Lakhdar Brahimi hôm 18/3 cũng phải thừa nhận, tới nay vẫn không có bước tiến nào đạt được nhằm thúc đẩy một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria.
“Điều tôi lo ngại lúc này là hầu như không có bước tiến nào đạt được trong việc thúc đẩy một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria, ông Brahimi phát biểu. “Điều mà chúng ta đang tìm kiếm đó là cộng đồng quốc tế hiện thực hóa các giải pháp. Tất cả các nước như Mỹ, Nga, Pháp hay Liên minh châu Âu đều nhất trí cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng, song lại không đưa ra bất kỳ hành động cụ thể nào.”
Các cơ quan Liên Hợp Quốc hôm 18/3 cũng kêu gọi các bên liên quan và cộng đồng quốc tế cân nhắc nhiều hơn tới khía cạnh nhân đạo thay vì tìm mọi cách làm gia tăng sự đối đầu.
Đại diện Cơ quan điều phối các hoạt động nhân đạo Liên Hợp Quốc tại Syria Radwan Newser cho biết: “Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria, song cần cân nhắc tới cả các khía cạnh nhân đạo thay vì chỉ tập trung vào các vấn đề chính trị, quân sự hay an ninh. Đây cũng là điều đã được nêu rõ tại hội nghị các nhà tài trợ cho Syria diễn ra tại Kuwait hồi đầu năm nay.”
Trong khi đó, dù ủng hộ phe đối lập Syria, song Chính phủ Mỹ hôm 18/3 cũng khẳng định, nước này vẫn sẽ thúc đẩy kế hoạch hòa bình do Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab đưa ra, theo đó thành lập một chính phủ chuyển giao đại diện cho cả chính phủ Syria và lực lượng đối lập./.