Thế giới 24 giờ: Mỹ- NATO tiến hành 2 cuộc tập trận sát biên giới Nga
VOV.VN - Cuộc khủng hoảng Ukraine được cho là cái cớ để Mỹ và NATO không ngừng tập trận, nhất là trong bối cảnh Hải quân Nga dàn trận ở Crimea.
1. Chỉ trong tuần qua, Mỹ và NATO đồng thời tổ chức hai cuộc tập trận quân sự tại hai quốc gia không phải là đồng minh của Liên minh quân sự này là Ukraine và Gruzia.
Binh sĩ Mỹ tham gia tập trận tại Georgia. Ảnh AP |
Tại Ukraine, cuộc tập trận quân sự chung được xem là lớn nhất từ trước đến nay đã khởi động từ hôm đầu tuần với sự tham gia của khoảng 2.000 binh sỹ đến từ 18 quốc gia cả trong và ngoài NATO. Trong cuộc tập trận này, binh sỹ các nước sẽ tham gia huấn luyện sử dụng vũ khí hạng nhẹ, triển khai và sử dụng xe tăng, xe thiết giáp cũng như nhiều khoa mục khác.
Trong khi đó, cuộc tập trận có sự tham gia của các nước NATO kéo dài trong 2 tuần cũng vừa kết thúc tại Gruzia. Cuộc tập trận mang tên “Tinh thần linh hoạt 2015” (The Agile Spirit 2015) với sự tham gia của khoảng 200 binh sỹ Mỹ và các đơn vị cấp trung đội đến từ một số nước Đông Âu và vùng Baltic diễn ra ngay tại một căn cứ quân sự của Gruzia đã từng là căn cứ không quân của Nga trước đây.
2. Trong một diễn biến khác, NATO sẽ họp vào ngày 28/7 để thảo luận về tình trạng bạo lực gia tăng giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với phiến quân IS và lực lượng người Kurd.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại một chốt canh gác. Ảnh Reuters |
Thông báo của NATO nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị tổ chức cuộc họp này do tính chất nghiêm trọng của tình hình sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu trong những ngày gần đây và cũng để thông báo với Liên minh về những biện pháp mà Ankara đang triển khai. NATO đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và có lập trường thống nhất với Thổ Nhĩ Kỳ".
Đề nghị triệu tập họp khẩn của NATO của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra chưa đầy một ngày ngay sau khi khu vực Đông Nam Diyarbakir nước này lại xảy ra một vụ đánh bom khủng bố nhằm vào một đoàn xe quân đội làm ít nhất 2 binh sĩ thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Vụ việc được cho là do lực lượng người Kurd (PKK) thực hiện, nhằm trả đũa các cuộc không kích ráo riết của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ 3 ngày qua ở miền Bắc Iraq.
3. Chiều 27/7 (theo giờ Nhật Bản), Dự luật an ninh mới của Nhật Bản bắt đầu được thảo luận tại Thượng viện.
Đối với chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đây là cơ hội để giải thích rõ ràng hơn và cụ thể hơn đối với nhân dân về nội dung của dự luật.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh Japan Times |
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã nhấn mạnh rằng để tránh hiểu lầm của nhân dân, tại cuộc họp Thượng việc lần này, Dự luật an ninh sẽ được giải thích cặn kẽ và rõ ràng hơn.
Dự luật an ninh mới được thông qua tại Hạ viện vào ngày 16/7 vừa qua đã vấp phải sự phản đối của nhiều đảng đối lập và dân chúng. Lý do chủ yếu đưa ra là chính quyền Abe đã chưa giải thích rõ về tính chất và nội dung của Dự luật an ninh mới.
Đây là sự hãn hữu công khai thông tin liên quan tới an ninh Quốc phòng mang tính dân sự với mục đích thể hiện rằng một trong những mục đích chính của Dự luật an ninh mới là ngăn chặn những mối đe dọa nguy hiểm từ bên ngoài mà trên thực tế đang diễn ra.
4 . Ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016 Donald Trump đang giành được nhiều sự ủng hộ nhất trong nội bộ Đảng Cộng hòa, hơn cả em trai Cựu Tổng thống Bush.
Cuộc thăm dò dư luận do hãng CNN tiến hành công bố ngày 26/7 cho biết tỷ phú Donald Trump đang giành được nhiều sự ủng hộ nhất trong nội bộ đảng với 18% số phiếu, vượt đối thủ Jeb Bush với 15% số phiếu, bất chấp một loạt tuyên bố gây tranh cãi của ông này trong thời gian gần đây.
Tý phú Donald Trump đang chiếm ưu thế tại Đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016. Ảnh AP |
Theo đó, tỉ lệ ủng hộ đối với tỷ phú bất động sản Donald Trump trong nội bộ đảng đã tăng 6% kể từ cuối tháng 6. Nhận được sự ủng hộ ở vị trí thứ ba là Thống đốc bang Wisconsin, Scott Walker với 10%. Không ai trong số các ứng cử viên tổng thống còn lại của Đảng Cộng hòa giành được tỉ lệ ủng hộ ở mức hai con số.
Tính đến thời điểm hiện tại, Đảng Cộng hòa có 16 ứng cử viên tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Cuộc thăm dò dư luận của CNN tiến hành từ ngày 22 đến 25/7 đối với 1.017 người.
5. Một vụ bê bối lớn đã xảy ra tại Anh khi Nghị sĩ Sewel bị yêu cầu rời khỏi Thượng viện sau khi một đoạn phim quay cảnh ông này sử dụng ma túy cùng một cô gái điếm được đăng tải.
Nghị sĩ Anh Sewel hút ma túy. Ảnh Sun on Sunday |
Những hình ảnh đầu tiên trên báo Sun on Sunday online cho thấy, ông Sewel đang hít ma túy được đựng bằng tờ 5 Bảng Anh trên ngực một cô gái điếm.
Sau đó, ngày 27/7, trang nhất tờ Sun lại đăng tải hình ảnh ông Seww mặc áo nịt ngực màu da cam bên trong một chiếc áo jacket màu đen ngồi hút thuốc.
Theo BBC, dù chưa đưa ra bình luận nào về đoạn phim được báo Sun on Sunday online công bố ngày 26/7, nhưng ông Sewel đã tuyên bố từ chức Phó Chủ tịch Thượng viện Anh. Ngoài ra, ông có thể bị cảnh sát thẩm vấn./.