Thế giới 24 giờ: Trung Quốc- Philippines đối đầu gay gắt về Biển Đông
VOV.VN- Vấn đề Biển Đông một lần nữa trở thành tâm điểm trong căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines.
1. Trong một động thái mới nhất, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lên tiếng yêu cầu Philippines phải kéo chiếc tàu chiến cũ ra khỏi khu vực bãi Cỏ Mây.
Tàu chiến BRP Sierra Madre của Philippines ở trên bãi Cỏ Mây (Ảnh AFP) |
Cùng với việc yêu cầu Philippines từ bỏ vụ kiện về vấn đề Biển Đông lên Toà trọng tài quốc tế, Trung Quốc còn doạ sẽ áp dụng “biện pháp tiếp theo” buộc Philppines phải rút chiếc tàu cũ đang “mắc cạn” tại bãi Cỏ Mây trên Biển Đông.
Trước đó, Philippines từng tuyên bố, nước này đang sửa chữa tàu BRP Sierra Madre - một con tàu cũ nát từ Thế chiến thứ 2- để làm tiền đồn ở Biển Đông.
Người phát ngôn Hải quân Philippines, Đại tá Edgard Arevalo, cho biết việc cải tạo này làm nơi sinh sống cho các binh sĩ thủy quân lục chiến Philippines đang neo đậu tại bãi Cỏ Mây.
“Việc sửa chữa tàu đang được tiến hành để đảm bảo con tàu này có thể là nơi sinh sống của các binh sĩ. Chúng tôi có trách nhiệm phải làm việc này cho họ”, ông Arevalo nói.
Philippines đưa máy bay, tàu chiến tới vịnh Subic trên Biển Đông
Đại tá Arevalo khẳng định, việc cải tạo này không nhằm đối phó với việc Trung Quốc cải tạo các bãi đá phi pháp ở Biển Đông.
“Chúng tôi không định điều tàu hải quân đến đây để giải quyết vấn đề này”, ông Arevalo nói.
2. Trong khi hàng ngàn người Iran đã xuống phố ăn mừng sau khi các bên đạt được thỏa thuận cuối về chương trình hạt nhân Iran vào ngày 14/7, thì Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cảnh báo, Iran sẽ không được phép lảnh tránh các cuộc thanh sát các điểm quân sự và dân sự mà Mỹ và đồng minh nghi ngờ có vấn đề về hạt nhân sau khi một thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết trong tuần này có hiệu lực.
Người dân Iran đổ ra đường ăn mừng thỏa thuận hạt nhân lịch sử (Ảnh Reuters) |
Bà Rice nói: “Nếu người Iran nói “Không, các ông không thể kiểm tra địa điểm đó” cho dù đó là khu vực quân sự hay không, thì IAEA nếu thấy nghi ngờ, có thể yêu cầu tiếp cận địa điểm đó”.
Nếu Iran từ chối quyền tiếp cận mà 5 trong 8 bên ký kết vào thỏa thuận hạt nhân Iran yêu cầu điều tra dưới sự giám sát của một ủy ban chung mới được thành lập thì Iran phải tuân thủ, bà Rice nói thêm và nhấn mạnh: “Đây không phải là yêu cầu, mà là đòi hỏi”. Iran sẽ “buộc phải cho tiếp cận”.
3. Quốc hội Hy Lạp sáng sớm 16/7 (theo giờ Việt Nam) đã bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách để đổi lấy gói cứu trợ dành cho Hy Lạp. Dự luật được thông qua với 229 phiếu thuận, 64 phiếu chống, 6 phiếu trắng trên tổng số 299 thành viên Quốc hội Hy Lạp tham gia bỏ phiếu.
Khuôn mặt thất thần của Thủ tướng Hy Lạp Tsipras sau khi Quốc hội thông qua dự luật cải cách mới (Ảnh AP) |
Việc Quốc hội Hy Lạp thông qua dự luật cải cách sẽ mở đường cho việc hoàn tất gói cứu trợ thứ 3 mà Hy Lạp sẽ nhận được, đổi lại Hy Lạp cũng sẽ phải tiến hành một loạt các cải cách trong lĩnh vực thuế và hệ thống lương hưu của nước này theo yêu cầu của các chủ nợ.
Dự kiến, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ họp trong ngày hôm nay (16/7) để thảo luận những bước đi tiếp theo.
4. Trong một diễn biến khác, Dự luật an ninh mới-vấn đề trung tâm của kỳ họp Quốc hội tới của Nhật Bản đã được thông qua tại cuộc họp của Hạ viện chiều ngày hôm nay (16/7 -theo giờ Nhật Bản). Dự luật sẽ được đệ trình lên Quốc hội vào kỳ họp ngày 27/9 tới. Đây có thể coi là bước tiến gần tới đích của chính quyền Shinzo Abe trong việc thực hiện Quyền phòng vệ tập thể dựa trên việc sửa đổi Hiến pháp.
Một tàu tuần duyên cùa Nhật Bản (Ảnh AP) |
Phát biểu với báo chí ngay sau Dự luật an ninh mới được Hạ viện thông qua, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “Môi trường an ninh của Nhật Bản đang đối mặt với những tình hình phức tạp ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, Luật an ninh mới là văn bản cần thiết nhằm bảo vệ sinh mệnh của người dân Nhật Bản cũng như ngăn ngừa chiến tranh”.
Ông Abe cũng cho biết thêm rằng Luật an ninh mới cũng sẽ được tranh biện tại Thượng viện, và trong thời gian này Chính phủ Nhật Bản tiếp tục giải thích rõ ràng hơn với nhân dân về mục đích của dự luật.
Nhật Bản thông qua Dự luật an ninh mới khiến Trung Quốc quan ngại
Trước đó, Thủ tướng Abe trong buổi tham dự phiên họp của Ủy ban đặc biệt về Luật an ninh của Hạ viện cũng đã nhấn mạnh rằng những chính trị gia, Quốc hội và Chính phủ Nhật Bản có trách nhiệm lớn phải bảo vệ sinh mệnh, cuộc sống hạnh phúc của người dân. Do vậy việc thông qua Luật an ninh tại Ủy ban đặc biệt về Luật an ninh của Hạ viện là việc có ý nghĩa và cần thiết.
5. Các quan chức Mỹ và Mexico đã nhóm họp để chia sẻ thông tin về vụ trùm ma túy Joaquin "El Chapo" Guzman vượt ngục và hợp tác truy nã hắn.
Bộ Nội vụ Mexico cho biết, cảnh sát Mexcio đã thiết lập 101 trạm kiểm soát trên các con đường lớn nối liền 21 trong tổng số 31 bang của nước này kể từ khi tên El Chapo vượt ngục ngày 11/7 vừa qua.
Hai cảnh sát Mexico đứng gần bức hình truy nã tên El Chapo (Ảnh Reuters) |
Ngoài ra, cảnh sát nước này cũng đã rải khoảng 100.000 tờ truyền đơn kèm hình ảnh của tên El Chapo.
Tên El Chapo bị bắt lần đầu tại Guatemala vào năm 1993 nhưng đã trốn khỏi một nhà tù có an ninh cực kỳ nghiêm ngặt tại miền Tây Mexico vào năm 2001.
Sau đó hắn bị bắt lại ở thành phố Tây Bắc Mazatlan vào tháng 2/2014, nhưng đã kịp vượt ngục lần thứ hai bằng một đường hầm dài 1,5km đào bên dưới phòng tắm trong buồng giam của hắn.
Trước khi bị bắt, tên El Chapo là trùm của băng đảng Sinaloa chuyên buôn lậu ma túy với số tiền lên đến hàng tỷ USD vào nước Mỹ. Băng đảng này cũng được cho là đã giết hại hàng nghìn người./.