Thế giới 24h: Bà Clinton trở lại đường đua sau sự cố sức khỏe
VOV.VN - Sau thời gian dưỡng bệnh, bà Clinton đã xuất hiện tại thành phố Greensboro, Bắc Carolina, với hình ảnh hoàn toàn khỏe mạnh.
1. Sau 3 ngày tạm dừng mọi hoạt động để tập trung dưỡng bệnh, ngày 15/9, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton đã chính thức quay trở lại cuộc đua vận động tranh cử khi có bài phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại bang Bắc Carolina.
Sau 3 ngày dưỡng bệnh, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton đã chính thức quay trở lại cuộc đua vận động tranh cử. (Ảnh: Reuters)
Cựu Ngoại trưởng Clinton đã xuất hiện trên sân khấu tại thành phố Greensboro, Bắc Carolina, với hình ảnh hoàn toàn khỏe mạnh và nói rằng "thật tuyệt vời khi quay trở lại đường đua”.
Bà chia sẻ sở dĩ không muốn công bố mình bị viêm phổi bởi nghĩ rằng sẽ có thể vượt qua mà không làm gián đoạn chiến dịch vận động tranh cử, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng đang bước vào giai đoạn nước rút.
Tuy nhiên, bà Clinton thừa nhận rằng, bà cảm thấy may mắn vì đã được nghỉ ngơi vài ngày, đồng thời thừa nhận việc tĩnh dưỡng giúp bà có thêm thời gian suy ngẫm về cuộc đua đang theo đuổi.
Trước đó một ngày, bà Clinton đã cho công bố thêm các chi tiết về tình hình sức khỏe, trong đó có thông tin bác sĩ riêng của bà khẳng định cựu ngoại trưởng Mỹ “đang ở trạng thái tinh thần tuyệt vời”.
Bà Hillary Clinton thề không từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng
2. Philippines luôn muốn duy trì cam kết mạnh mẽ với đồng minh Mỹ nhưng sẽ không để Mỹ “dạy dỗ” về nhân quyền và đối xử như “một đứa em bé nhỏ da nâu”. Tuyên bố rất cứng rắn này được Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đưa ra tại thủ đô Washington, Mỹ ngày 15/9.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. |
Ông Yasay khẳng định, những tuyên bố gây sốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhằm vào Mỹ hoàn toàn là do bị hiểu nhầm.
Theo ông Yasay, việc Tổng thống Duterte yêu cầu đặc nhiệm Mỹ rút khỏi phía Nam Philippines chỉ là một giải pháp tạm thời nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra khi quân đội Philippines mở chiến dịch tấn công phiến quân Abu Sayyaf.
Ngoại trưởng Yasay cho biết thêm rằng, ông Duterte chỉ phản đối các cuộc tuần tra chung trên biển với Mỹ gây ảnh hưởng tiêu cực đến “vùng đặc quyền kinh tế của Philippines” chứ không phản đối các cuộc tuần tra chung trong khu vực 12 hải lý của nước này.
Đề cập đến cuộc chiến chống nạn buôn bán ma túy, Ngoại trưởng Yasay bác bỏ mọi lời chỉ trích của Mỹ, đồng thời khẳng định, Philippines không bao giờ chấp nhận việc giết người bất hợp pháp và nhấn mạnh, quan hệ Mỹ-Philippines phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
Ông Yasay nhấn mạnh, Tổng thống Duterte “luôn cam kết duy trì và tôn trọng mối quan hệ với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ”. Philippines không phải là “đứa em bé nhỏ da nâu” của “ông anh” Mỹ
3. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada hôm qua (15/9) có chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ kể từ khi bà nhậm chức vào tháng trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. (Ảnh: Kyodo) |
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu các vấn đế chiến lược và quốc tế tại Washington, bà Inada cho biết, Nhật Bản sẽ tăng cường các hoạt động trong khu vực – nơi Nhật Bản với Mỹ chia sẻ mối lo ngại chung về các tuyên bố chủ quyền gia tăng của Trung Quốc, trong đó bao gồm việc xây dựng năng lực cho các quốc gia ven biển.
Nhật Bản cũng sẽ tăng cường hoạt động tại Biển Đông, bao gồm các cuộc diễn tập song phương và đa phương với lực lượng hải quân khu vực.
Bà Inada nói: “Những hành động của Trung Quốc đang cấu thành một nỗ lực có chủ ý, đơn phương thay đổi hiện trạng, tạo nên sự đã rồi, làm suy yếu các qui tắc hiện hành.
Nếu thế giới dung túng cho các nỗ lực thay đổi trật tự tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, cho phép “bẻ cong” luật pháp quốc tế để thực hiện các mục tiêu về hải phận và không phận thì hậu quả không chỉ hạn chế tại Tây Thái Bình Dương mà còn tác động đến toàn cầu”. Nhật Bản sẽ tăng cường hoạt động tại Biển Đông
4. Ngày 15/9, Tham mưu trưởng Quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov đã tới Thổ Nhỹ Kỳ để thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhỹ Kỳ Hulusi Akar về cuộc nội chiến tại Syria, quốc gia có chung đường biên giới với Thổ Nhỹ Kỳ.
Tướng Valery Gerasimov, tham mưu trưởng Quân đội Nga. (Ảnh: trend) |
Nguồn tin quân đội Nga cho biết, cuộc thảo luận tập trung vào đánh giá tình hình hiện tại và các triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.
Chuyến thăm của Tham mưu trưởng quân đội Nga đến Thổ Nhỹ Kỳ để bàn về cuộc nội chiến tại Syria diễn ra trong bối cảnh Nga và Thổ Nhỹ Kỳ đang nỗ lực cải thiện mối quan hệ sau cuộc khủng hoảng bùng phát cuối tháng 11 năm ngoái khi không quân Thổ Nhỹ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga tại khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhỹ Kỳ. Tướng Nga đến Thổ Nhỹ Kỳ bàn về cuộc chiến Syria
5. Một mảnh vỡ lớn được tìm thấy ngoài khơi Tanzania và đã qua kiểm tra tại Australia, vừa được xác định là từ chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia.
Mảnh vỡ lớn được tìm thấy ngoài khơi Tanzania được xác định là từ chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370. (Ảnh: Reuters) |
Trong tuyên bố đưa ra ngày 15/9, Cơ quan an toàn vận tải Australia (ATSB) xác nhận, mảnh vỡ được tìm thấy hôm 20/6 vừa qua là một phần của cánh tà máy bay. Mảnh vỡ đang được các chuyên gia tiến hành kiểm tra thêm với hy vọng sẽ giúp hé lộ thêm manh mối về chiếc máy bay xấu số này.
Trước đó, các nhà điều tra từng xác nhận một mảnh vỡ được phát hiện ở khu vực quần đảo Reunion trên Ấn Độ Dương thuộc chủ quyền Cộng hòa Pháp hồi tháng 7 cũng có nhiều khả năng thuộc về máy bay mất tích MH370./.