Thế giới 24h: Bầu cử Mỹ- bà Clinton và ông Trump dẫn đầu “Siêu thứ Ba”
VOV.VN - Ngày bầu cử “Siêu thứ Ba” (Super Tuesday) diễn ra hôm 1/3 (giờ Mỹ) đã chứng kiến chiến thắng vang dội của ứng cử viên Donal Trump và Hillary Clinton.
1. Mặc dù chưa có kết quả chính thức, nhưng hai ứng cử viên là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton của đảng Dân chủ và tỷ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa vẫn đang tiếp tục dẫn đầu cuộc đua nội bộ trong ngày bầu cử “Siêu thứ Ba” diễn ra tại 12 bang và vùng lãnh thổ Samoa trên toàn nước Mỹ.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton của đảng Dân chủ và tỷ phú Donal Trump. (ảnh: Getty). |
Theo kết quả sơ bộ, tính đến 23 giờ (giờ địa phương), tỷ phú Donald Trump tiếp đà thắng lợi trong các cuộc bầu cử trước đang chứng tỏ thế áp đảo với 5 chiến thắng tại các bang Georgia, Virginia, Alabama, Tennesseevà Massachusetts.
Trong khi đó, mặc dù dự đoán chỉ vượt qua đối thủ Donal Trump ở một bang duy nhất trong ngày bầu cử ngày 2/3 thượng nghị sỹ Ted Cruz đã có được hai chiến thắng quan trọng tại bang quê nhà Texas và Oklahoma.
Theo kết quả mới nhất, ứng cử viên Marco Rubio cũng đã có được chiến thắng đầu tay tại bang Minnesota.
Bà Hillary Clinton có thực sự tự tin trong cuộc đua vào Nhà Trắng?
Về phía đảng Dân chủ, cuộc chạy đua giữa hai ứng viên ngày càng trở nên kịch tính và hấp dẫn hơn. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã giành chiến thắng tại 6 bang gồm Georgia, Virginia, Alabama, Tennessee, Arkansas, Texas và vùng lãnh thổ hải ngoại Samoa.
Trong khi đó, đối thủ duy nhất của bà Clinton là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã giành chiến thắng tại bang quê nhà Vermont, Oklahoma và Colorado. Các bang còn lại vẫn đang trong quá trình kiểm phiếu tuy nhiên lợi thế dẫn trước vẫn đang thuộc về bà Clinton.
2. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter ngày 1/3 cảnh báo Trung Quốc về hậu quả nghiêm trọng mà nước này có thể đối mặt nếu quân sự hóa Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. (ảnh:AP). |
Theo Reuters, ông Carter cho rằng, Trung Quốc đã thực hiện nhiều hành động hiếu chiến ở Biển Đông, bao gồm việc điều hệ thống tên lửa HQ-9 lên đảo Phú Lâm [thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép- ND].
Ông Carter nhấn mạnh: “Trung Quốc không được phép theo đuổi hành vi quân sự hóa ở Biển Đông. Những hành động cụ thể [của Trung Quốc] sẽ phải đối mặt với những hậu quả cụ thể”.
Khi được hỏi những hậu quả đó có thể là gì, ông Carter cho biết, quân đội Mỹ đã tăng cường việc điều các trang thiết bị quân sự đến khu vực châu Á- Thái Bình Dương và từ nay đến năm 2020 sẽ chi tiêu khoảng 425 triệu USD vào các cuộc tập trận với các quốc gia trong khu vực chịu ảnh hưởng của các hành động nói trên của Trung Quốc.
Ông Carter khẳng định, hành động của Trung Quốc đã tạo ra những thỏa thuận 3 bên mà chỉ vài năm trước “không ai có thể nghĩ tới”.
Mỹ và Trung Quốc “lời qua tiếng lại” về quân sự hóa trên Biển Đông
3. Ngày 1/3, nguồn tin ngoại giao Liên Hợp Quốc cho biết, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã quyết định trì hoãn cuộc bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết do Mỹ và Trung Quốc đề xuất về mở rộng các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, sang ngày 2/3 do có yêu cầu từ phía Nga.
Liên Hợp Quốc quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên sau khi nước này tiến hành các vụ thử hạt nhân. (ảnh: Reuters). |
Theo kế hoạch, cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào lúc 22h tối 1/3 (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, phía Nga đã yêu cầu lùi lại phiên bỏ phiếu để dành thêm thời gian xem lại dự thảo trên.
Dự thảo nghị quyết về mở rộng trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc, nếu được thông qua sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc kiểm tra các tàu hàng đến và đi từ quốc gia Đông Bắc Á này, cũng như cấm các hoạt động xuất khẩu vàng hay than đá nếu phát hiện thấy các hoạt động này được sử dụng để gây quỹ cho chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên.
Văn kiện này yêu cầu các quốc gia trục xuất các nhà ngoại giao Triều Tiên tại nước sở tại có liên quan đến hoạt động bất hợp pháp. Bên cạnh đó, văn kiện cũng đề xuất trừng phạt 17 cá nhân Triều Tiên và 12 thực thể.
4. Theo các tài liệu mới được công bố, trùm khủng bố Osama bin Laden đã từng viết một bức thư kêu gọi nhân dân Mỹ giúp Tổng thống Barack Obama chiến đấu chống lại thảm họa biến đổi khí hậu và “cứu nhân loại”.
Trùm khủng bố Osama bin Laden. Ảnh: Wordpress. |
Theo các tài liệu mới được công bố, đây là bằng chứng mới nhất về các quan ngại của Bin Laden về các vấn đề môi trường.
Bức thư “gửi cho nhân dân Mỹ” mà các quan chức tình báo Mỹ khẳng định là của Bin Laden, không ghi ngày tháng và không ký tên.
Dựa vào các nội dung bên trong, người ta cho rằng bức thư này có thể được viết chỉ một thời gian ngắn sau khi ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhất của mình vào năm 2009.
Mối bận tâm của Bin Laden với vấn đề biến đối khí hậu cũng nổi bật trong nhóm tài liệu đầu tiên thu được sau cuộc đột kích tiêu diệt Bin Laden – các tài liệu này được giải mật vào tháng 5/2015. Một đoạn audio được công bố trên mạng al Jazeera vào tháng 1/2010 cũng khẳng định như vậy.
5. Tổng thống Bashar al-Assad ngày 1/3 cam kết thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc đảm bảo thành công lệnh ngừng bắn tại Syria.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (ảnh: AFP). |
Tổng thống Syria al-Assad cho biết, lệnh ngừng bắn mang lại hi vọng hòa bình, dù mong manh cho người dân Syria. Chính phủ Syria và các lực lượng liên quan sẽ cố gắng kiềm chế để đảm bảo thỏa thuận được thực hiện.
Tuy nhiên ông al-Assad cũng cảnh báo, mọi thứ cũng đều có giới hạn và cam kết của ông phụ thuộc nhiều vào hành động của lực lượng đối lập. Tổng thống cũng đề nghị một lệnh ân xá cho các tay súng đối lập nếu họ nhất trí hạ vũ khí.
Lệnh ngừng bắn do Nga và Mỹ đề xuất đã bước vào ngày thứ 5, giúp mang lại bầu không khí khá yên bình tại các khu vực lãnh thổ phía bắc, nam và xung quanh thủ đô của Syria.
Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn không bao gồm những khu vực nơi nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng và nhánh của Al-Qaeda là Al-Nusra Front kiểm soát.
6. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 1/3 có cuộc điện đàm, thảo luận về việc thực hiện lệnh ngừng bắn tại Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải). (ảnh: AFP). |
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng hai nước tập trung thảo luận về sáng kiến của Nga và Mỹ về Syria, cũng như các quyết định liên quan của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Hai Ngoại trưởng khẳng định, sự phối hợp giữa Nga và Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, sẽ là một yếu tố quan trọng để lệnh ngừng bắn tại Syria được thực thi hiệu quả.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 1/3 cũng cho biết, các quan chức quốc phòng Nga và Mỹ đang có sự phối hợp hiệu quả trong việc giám sát lệnh ngừng bắn tại Syria.
Cứ 2 tiếng một lần, các quan chức Mỹ thuộc Trung tâm quân sự của Mỹ ở Jordan lại cập nhật diễn biến tại Syria với các quan chức tại một căn cứ không quân của Nga ở Syria. Theo ông Igor Konashenkov, sự phối hợp hiệu quả và chuyên nghiệp đang được thực hiện giữa hai bên./.