Thế giới 24h: Bí ẩn vụ mất tích máy bay MH370 đã hé lộ
VOV.VN -Mảnh vỡ máy bay được tìm thấy ở đảo Reunion đang được cho là manh mối tìm ra chiếc MH370 mất tích một cách bí ẩn ngày 8/3/2014.
1. CNN dẫn lời Chuyên gia phân tích an toàn hàng không David Soucie, có 3 điểm giống giữa mảnh vỡ máy bay ở đảo Reunion với MH370 mất tích. Đầu tiên, mảnh vỡ dường như tách rời khỏi máy bay. “Vì tác động đột ngột, mảnh vỡ tách khỏi máy bay”. Điểm thứ hai là ký hiệu trên mảnh vỡ và điểm thứ ba là mảnh ký sinh bám trên mảnh vỡ cho thấy nó đã chìm trong nước quá lâu.
Lực lượng an ninh khênh mảnh vỡ máy bay trôi dạt gần đảo Reunion. (ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng những điểm này chưa thể là bằng chứng để khẳng định mảnh vỡ là thuộc MH370 bởi mảnh vỡ này đã bị dòng nước cuốn, va đập và bao phủ từ nhiều thứ trong đại dương.
CNN cũng đưa nhận định từ nhà phân tích hàng không Mary Schiavo: “Nếu có thể khẳng định mảnh vỡ đó thuộc Boeing 777 thì khả năng cực lớn là từ MH370 bởi gần như không có chiếc Boeing 777 nào được cho là gặp tai nạn ở khu vực biển này”.
Xem thêm: Mảnh vỡ máy bay tìm thấy thuộc về MH370?
2. Mỹ ngày 29/7 kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) hãy lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn, sát cánh cùng Washington trong bối cảnh Mỹ - Trung căng thẳng, liên quan đến hoạt động xây đảo trái phép và quân sự hoá các cơ sở này của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Việc Mỹ lôi kéo của EU vào vấn đề Biển Đông đã thể hiện rõ quyết tâm của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong việc ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Bà Amy Searight – Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Nam Á và Nam Á, cho hay, Washington hoan nghênh việc EU lên tiếng kêu gọi tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho các cuộc tranh chấp ở Biển Đông cũng như kêu gọi sự tôn trọng luật pháp quốc tế ở trên biển.
“Sẽ là rất có ích nếu EU nói rõ hơn về việc họ ủng hộ những nguyên tắc đó”, bà Searight cho biết tại cuộc thảo luận về các chính sách của Mỹ và EU đối với khu vực Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Washington.
Không chỉ Biển Đông, Trung Quốc muốn “nuốt trọn” biển Hoa Đông
3. Sáng nay (30/7), lực lượng chuyên trách và tìm kiếm mặt đất của Bộ Quốc phòng Lào đã tiếp cận hiện trường chiếc máy bay quân sự Mi-17 bị tai nạn hôm 27/7 vừa qua, tại khu vực khe núi và rừng rậm phía Bắc bản Luangsay, huyện Longcheng, tỉnh Saysomboun.
Lực lượng chuyên trách và tìm kiếm mặt đất thuộc Bộ quốc phòng Lào cho biết, khu vực xảy ra tai nạn là khu vực núi non hiểm trở, rất khó tiếp cận. Để có thể vào được hiện trường chỉ có thể đi bộ và cũng phải mất tới 4 giờ đồng hồ. Hiện lực lượng chuyên trách đã tìm thấy xác chiếc máy bay và đưa một số thi thể nạn nhân ra tới khu vực bản gần nơi xảy ra tai nạn.
Máy bay quân sự Mi-17 số hiệu 34062 trên hành trình bay từ thủ đô Vientiane đi làm nhiệm vụ tại Xiangkhouang - Houaphan đã mất liên lạc với trung tâm điều khiển bay vào 13h10 ngày 27/7/2015. Toàn bộ tổ lái 4 người và 19 hành khách đều đã thiệt mạng.
4. Đại sứ Nga tại LHQ cho biết, Nga đã phản đối văn bản dự thảo của Malaysia về đề nghị lập tòa án Liên Hợp Quốc xét xử vụ rơi máy bay MH17.
Ngày 29/7, Nga đã phủ quyết một dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đề nghị lập tòa án quốc tế xét xử vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines vào năm 2014.
Các nhân viên OSCE điều tra hiện trường vụ MH17 (Ảnh Sputnik News) |
Ông Jacobus Gerard Van Bohemen, Đại sứ New Zealand tại LHQ -nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an cho biết: Kết quả của cuộc bỏ phiếu cho thấy có 11 phiếu ủng hộ, 1 phiếu chống, 3 phiếu trắng. Dự thảo nghị quyết đã không được thông qua do có một phiếu chống của một nước Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Vitaly Churkin cho biết, Nga đã phản đối văn bản dự thảo của Malaysia về đề nghị lập tòa án quốc tế xét xử vụ rơi máy bay MH17 khi đề nghị này nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia, trong đó có Hà Lan và Ukraine.
5. Nguy cơ một cuộc khủng hoảng mới vẫn tiềm ẩn ở Hy Lạp, nước này không chỉ cần một gói cứu trợ thứ 3, mà còn cần được tái cơ cấu nợ.
Thỏa thuận đạt được hồi giữa tháng 7 vừa qua giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế vẫn chưa thể khiến người ta yên tâm về cuộc khủng hoảng nợ công tại quốc gia Nam Âu này.
Nguy cơ một cuộc khủng hoảng mới vẫn tiềm ẩn, bởi điều Hy Lạp cần lúc này không chỉ là một gói cứu trợ thứ 3, mà còn cần được tái cơ cấu nợ, nếu không cả Hy lạp lẫn khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ một lần nữa chao đảo.
Sau nỗ lực, giờ là lúc cả Hy Lạp và khu vực đồng euro đều cần một liều thuốc trợ lực. Đối với Hy Lạp, chính phủ nước này cần phải tập hợp được đủ thế đa số để thúc đẩy Quốc hội thông qua những cải cách ngân sách được thắt chặt theo yêu cầu của các chủ nợ. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm qua cảnh báo, nếu không thể đạt được thế đa số tại Quốc hội, Hy Lạp sẽ buộc phải bước vào các cuộc bầu cử sớm./.