Thế giới 24h: Giáo hoàng Francis rửa và hôn chân người tị nạn
VOV.VN - Thực hiện lễ rửa chân cho những người tị nạn, Giáo hoàng muốn cho thấy một cử chỉ tốt đẹp đối lại với "hành động hủy diệt" của những kẻ khủng bố
Giáo hoàng Francis đã có hành động ý nghĩa khi tiến hành nghi thức rửa và hôn chân những người tị nạn theo đạo Hồi, Hindu và Công giáo giữa lúc làn sóng kỳ thị chống Hồi giáo đang lên cao sau vụ tấn công khủng bố Brussels.
Giáo hoàng làm nghi lễ rửa chân cho người tị nạn - Ảnh: AP
Trong số những người tị nạn tham gia có ba người Hồi giáo đến từ Mali, Syria và Pakistan, một người theo đạo Hindu đến từ Ấn Độ.
Theo AP, Đức giáo hoàng cũng lên án vụ tấn công khủng bố ở Brussels như là “hành động của chiến tranh” được thực hiện bởi những kẻ khát máu.
Địa điểm mà Giáo hoàng thực hiện nghi lễ rửa và hôn chân diễn ra tại một trại tị nạn ở Castelnuovo di Porto, thuộc ngoại thành Rome và nhân dịp Tuần thánh lễ Phục sinh.
Nghi thức ngày thứ Năm linh thiêng (Holy Thursday) vốn nhằm diễn lại việc Chúa Jesus đã có hành động rửa chân cho các tông đồ trước khi chịu khổ hình đóng trên thập giá, việc làm này nhằm truyền tải thông điệp tận hiến và phục vụ cho muôn người.
Khi thực hiện lễ rửa chân cho những người tị nạn, Giáo hoàng Francis muốn cho thấy một cử chỉ tốt đẹp đối lại với "hành động hủy diệt" được những kẻ khủng bố thực hiện, đồng thời chỉ ra hành động khủng bố là nhằm làm mất tình đoàn kết anh em giữa những người di dân.
1. Triều Tiên ngày 26/3 tuyên bố quân đội nước này sẵn sàng tấn công phủ Tổng thống Hàn Quốc nếu bà Park Geun-hye không chịu xin lỗi Triều Tiên.
Trong lời cảnh báo của mình, Triều Tiên nhấn mạnh, phủ Tổng thống Hàn Quốc hoàn toàn nằm trong tầm đạn pháo của Triều Tiên và lệnh tấn công có thể được đưa ra bất kỳ lúc nào.
Bà Park Geun-hye và ông Kim Jong-un. Ảnh Sputnik |
Triều Tiên được cho là hoàn toàn có khả năng pháo kích Seoul mà không cần báo trước. Các cuộc pháo kích này nếu diễn ra có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến thủ đô có dân số hơn 10 triệu người này của Hàn Quốc. Tuy nhiên, một cuộc tấn công như vậy hầu như không thể xảy ra và Triều Tiên đã nhiều lần đe dọa tương tự nhưng chưa bao giờ thực hiện.
Trước những lời đe dọa của Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đã cảnh báo Triều Tiên cần chấm dứt ngay lập tức những hành động khiêu khích.
“Những sự khiêu khích thiếu thận trọng sẽ là con đường dẫn tới sự sụp đổ chế độ của Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc sẽ duy trì sức mạnh tối đa và sẵn sàng hàng động để Triều Tiên không dám thực hiện một sự khiêu khích nào”, bà Park nhấn mạnh.
2. Dù thắng lợi liên tiếp tại 2 bang miền Tây trong cuộc bầu cử ngày 26/3, ông Bernie Sanders vẫn bị bà Clinton bỏ xa trong cuộc đua của Đảng Dân chủ.
Theo AP, dù thắng lợi của ông Sanders tại Washington và Alaska hầu như không ảnh hưởng nhiều đến khoảng cách giữ ông và bà Clinton nhưng nó cũng cho thấy “gót Asin” của bà khi bà không thể thu hút được sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuồi và những nhà hoạt động tự do.
Ông Sanders ăn mừng chiến thắng cùng những người ủng hộ. Ảnh AP |
Phát biểu sau 2 chiến thắng tại các bang miền Tây, ông Sanders khẳng định, đây là sự trở lại ngoạn mục của ông và bày tỏ hy vọng sẽ sớm thu hẹp khoảng cách hiện nay với bà Clinton khi cuộc đua hiện nay đang tiến gần đến các bang miền Đông Bắc, bao gồm cả “bang New York của bà Clinton”.
Ông Sanders cũng tự tin cho rằng, ông đang chiếm được cảm tình của rất nhiều đại cử tri, những người có quyền lựa chọn 1 trong 2 ứng viên cuối cùng của Đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng với đối thủ thuộc Đảng Cộng hòa.
“Các bang miền Nam là các bang rất bảo thủ. Giờ chúng tôi đang chuyển dần đến các bang cởi mở hơn và hy vọng sẽ đạt được những kết quả tích cực”, ông Sanders nói.
Theo ông Sanders, ông “vẫn còn đường để đi đến chiến thắng” dù con đường này đầy khó khăn khi mà bà Clinton đã vượt xa ông.
3. Quân Chính phủ Syria ngày 27/3 đã tái chiếm thành phố cổ Palmyra từ tay các phần tử khủng bố IS.
Nguồn tin quân đội Syria cho hay, sau các cuộc giao tranh ác liệt suốt đêm 26/3, quân đội Syria hiện đã kiểm soát hoàn toàn Palmyra, cả ở khu vực có di tích cổ và khu vực dân cư.
Binh sĩ Syria lái xe tăng tiến vào giải phóng Palmyra. Ảnh SANA |
Các tay súng IS đã buộc phải rút lui tới Sukhnah, Raqqa và Deir Ezzor ở phía Đông. Quân đội Syria hiện đang tháo ngòi nổ của hàng chục quả bom mìn do IS cài đặt tại khu vực có di tích cổ.
Trước đó, nhờ các cuộc không kích yểm trợ của Nga, quân Chính phủ Syria ngày 26/3 đã thành công trong việc đẩy lùi IS khỏi một tòa thành cổ trên đỉnh đồi Syriatel ở Palmyra và xé cờ của chúng tại đó. Trước đó, mọi nỗ lực của quân Chính phủ trong việc dựng cờ trên tòa thành cổ này đều bị đạn pháo và xe tăng của IS ngăn trở.
Giao tranh ác liệt đã diễn ra trên khắp thành phố cổ Palmyra và nhóm dân quân Đại bàng sa mạc dưới sự chỉ huy của quân đội Syria đã “đặt một chân” vào khu vực có đông người sinh sống tại khu vực thành cổ nói trên.
Tại nhiều nơi khác trong thành phố cổ Palmyra, quân Chính phủ Syria đã tiến gần tới một sân bay quân sự vẫn đang bị IS chiếm đóng.
“Các tay súng IS còn lại trong thành phố cổ này đang bắn trả để tìm đường thoát thân. Chúng tôi không rõ chúng sẽ tiếp tục rút lui hay sẽ quyết tử”, người đứng đầu lực lượng dân quân Đại bàng sa mạc Abu Hamza nói.
Việc có thể tái chiếm Palmyra và mở rộng sang phía Đông để tấn công IS ở Deir ez-Zor có thể coi là chiến thắng quan trọng nhất của quân Chính phủ Syria trước IS kể từ khi Nga bắt đầu các cuộc không kích tại nước này hồi cuối tháng 9/2015.
IS khó gượng dậy sau khi "Bộ trưởng" tài chính bị Mỹ tiêu diệt
4. Nga ngày 26/3 tuyên bố, nữ phi công Savchenko sẽ phải thực thi đầy đủ án phạt 22 năm tù bất chấp việc Ukraine nỗ lực tìm cách trao đổi tù binh.
AFP dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: “Savchenko đã bị kết án và cô ấy phải thực thi án phạt của mình”.
Nữ phi công Ukraine Savchenko. Ảnh AP |
Trước đó, một Tòa án tại miền Nam nước Nga ngày 22/3 đã tuyên bố, nữ phi công Ukraine Savchenko có liên quan đến vụ pháo kích năm 2014 khiến 2 nhà báo Nga thiệt mạng khi đang tác nghiệp tại miền Đông Ukraine và phải chịu án 22 năm tù.
Vụ xét xử Savchenko đã vấp phải sự lên án của Eu và Mỹ, cả EU và Mỹ đều yêu cầu Nga thả nữ phi công Ukraine ra. Bản thân Savchenko cũng khẳng định mình vô tội và đã nhiều lần tuyệt thực trong quá trình xét xử.
Người phát ngôn Peskov cho biết, hiện Nga chưa quyết định có thả Savchenko hay trao đổi tù binh với phía Ukraine dù Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định sẵn sàng đổi cô lấy các tù binh của Nga.
“Chỉ có người đứng đầu nhà nước [tức Tổng thống Nga Putin-ND] mới có thể đưa ra quyết định này và cho đến nay vẫn chưa có quyết định nào như thế”, ông Peskov tuyên bố.
5. Mỹ vừa bày tỏ quan ngại trước việc Ấn Độ gần đây phóng thử một quả tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Hồi đầu tháng 3, Ấn Độ đã phóng thử thành công một quả tên lửa đạn đạo K-4 từ ống phóng dưới nước tại vịnh Bengal.
Một quả tên lửa được Ấn Độ phóng thử từ bệ phóng dưới biển. Ảnh Express |
Hãng tin NDTV của Ấn Độ dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết, Mỹ quan ngại trước bất kỳ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa nào có khả năng làm gia tăng nguy cơ rủi ro về an ninh hạt nhân hay hạ thấp ngưỡng cho phép về sử dụng hạt nhân. Mỹ tiếp tục hối thúc các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân kiềm chế khả năng hạt nhân và tên lửa của mình.
Theo ông Toner, Mỹ bày tỏ quan ngại về chương trình tên lửa của Ấn Độ và ảnh hưởng của nó đối với tình hình an ninh của khu vực. Dù không muốn đi sâu vào các chi tiết cụ thể của cuộc đối thoại song phương với Ấn Độ, song từ lâu Mỹ vẫn khuyến khích các nỗ lực thúc đẩy xây dựng lòng tin, sự ổn định và không khuyến khích bất kỳ hành động nào có thể làm mất ổn định trong khu vực./.