Thế giới 24h: Mỹ đã 3 lần tuần tra quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc
VOV.VN - Reuters ngày 10/5 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, tàu chiến của Mỹ đã tiến gần một hòn đảo Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông.
1. Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban cho biết, tàu USS William P.Lawrence của Hải quân Mỹ đã đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh Đá Chữ Thập để “thách thức tuyên bố hàng hải quá đáng của một số bên tranh chấp ở Biển Đông”.
Tàu USS William P. Lawrence (DDG-110) của hải quân Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Trong tuyên bố được gửi qua email, ông Urban nói thêm rằng: “Những tuyên bố chủ quyền trên biển quá đáng đó đi ngược lại luật pháp quốc tế, như phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), vì những tuyên bố này dường như nhằm hạn chế quyền tự do đi lại mà Mỹ và tất cả các nước đáng được hưởng”.
Đây là lần thứ ba trong chưa đầy một năm qua, các tàu chiến của Mỹ thực hiện hoạt động tuần tra quanh các đảo Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông.
Tờ The Straits Times ngày 10/5 đưa tin cho biết, Trung Quốc đã rất tức tối trước thông tin tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh Đá Chữ Thập, nơi nước này đang cải tạo và xây dựng phi pháp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong buổi họp báo tại thủ đô Bắc Kinh hôm nay (10/5) ngang nhiên cho rằng, tàu Mỹ xâm nhập bất hợp pháp vào các vùng biển mà không được sự cho phép của Trung Quốc và rằng, hành động của tàu Hải quân Mỹ đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. TNS Mỹ: “Mỹ cần cứng rắn với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông”
Cùng ngày, trong chuyến thăm Việt Nam, đề cập đến hoạt động tuần tra của tàu chiến và máy bay Mỹ tại khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel cho rằng, mọi hoạt động của Mỹ ở vùng biển này đều tuân thủ nghiêm những quy định của luật pháp quốc tế.
Chính sách đảm bảo quyền tự do hàng hải theo quy định của luật pháp quốc tế là chính sách mà Mỹ đã thực hiện hàng thập kỷ qua. Việc thực hiện chính sách này phản ánh sự ủng hộ của Mỹ đối với hệ thống pháp luật quốc tế, đảm bảo các vùng biển luôn rộng mở cho hoạt động giao thương. Mỹ không khiêu khích ai khi tuần tra ở Biển Đông
2. Phát biểu với các phóng viên tại Hà Nội ngày 10/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam sắp tới sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến mối quan hệ trong quá khứ, hiện tại và tương lai của 2 nước.
Cũng trong chuyến thăm này, phía Mỹ mong muốn hợp tác với Việt Nam giải quyết những vấn đề còn tồn tại liên quan đến quá khứ “đầy khó khăn” giữa hai bên, trong đó có chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ và Việt Nam cũng sẽ tiếp tục cùng giải quyết những thách thức hiện tại trong khu vực và trên thế giới.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel. |
Hai bên cũng sẽ đặt ra những mục tiêu cho tương lai, trong đó Mỹ sẽ ưu tiên tập trung đầu tư vào tài sản quý giá nhất của Việt Nam- đó chính là nhân dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, thông qua các chương trình đào tạo, trao đổi học thuật.
Mỹ và Việt Nam cũng tập trung đầu tư vào một trong những ưu tiên hàng đầu hiện này là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương Daniel Russel cho biết thêm, hiện chưa có quyết định nào về việc Mỹ sẽ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ông cũng lưu ý rằng đây là một vấn đề thường xuyên được xem xét định kỳ. Ông Russel cho biết, vào năm 2014, Hoa Kỳ đã gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhằm giúp Việt Nam có thể mua sắm các trang bị quốc phòng để tăng cường khả năng bảo vệ biển đảo. Mỹ tiếp tục xem xét dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam
3. Từ 2h sáng nay (10/5, theo giờ Việt Nam), Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công khai nội dung tập tài liệu mang tên “Hồ sơ Panama” dưới dạng cơ sở dữ liệu ở địa chỉ offshoreleaks.icij.org.
Khi truy cập vào địa chỉ offshoreleaks.icij.org, người dùng sẽ phải chấp nhận một thỏa thuận với ICIJ trước khi có thể tìm kiếm các thông tin liên quan của vụ bê bối này. Chức năng tìm kiếm được chia thành 2 loại, theo quốc gia và theo những nơi có thể thành lập công ty tránh thuế.
(Ảnh minh họa: Enternews). |
Tính đến sáng 10/5, khi tìm kiếm thông tin trong Hồ sơ Panama theo tên quốc gia là Việt Nam, trang web này cung cấp danh sách liên quan bao gồm 189 cá nhân, tổ chức, 23 công ty trung gian và 19 công ty nước ngoài.
Với mỗi cá nhân, hay công ty, khi bấm vào, trang web sẽ hiện rõ ràng mối liên hệ giữa những người này với công ty trung gian và công ty lập ra ở nước ngoài.
Trước đó, vào đầu tháng 4, một phần nội dung của Hồ sơ Panama đã được báo chí quốc tế đăng tải rộng rãi. Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế cho biết, lần công bố này không phải là việc “xả dữ liệu” như kiểu WikiLeaks đã làm. Sẽ kiểm tra thông tin gần 200 cá nhân, tổ chức Việt trong hồ sơ Panama
4. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, Thị trưởng thành phố Davao, ông Rodrigo Duterte đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Phillippines.
Trong số 37 triệu phiếu đã được kiểm vào sáng sớm 10/5, ông Duterte giành được 14,4 triệu phiếu, bỏ xa đối thủ đứng sau là cựu Bộ trưởng Nội vụ Manuel Mar Roxas, với 8,6 triệu phiếu. Thượng nghị sĩ Grace Poe, chỉ nhận được 8,1 triệu phiếu. Hiện ước tính chỉ còn khoảng 4 triệu lá phiếu chưa được kiểm.
Ông Rodrigo Duterte. Ảnh: EPA. |
Trước đó, cùng ngày, Thượng nghị sĩ Grace Poe đã thừa nhận thất bại và cho rằng chiến thắng đã thuộc về thị trưởng thành phố Davao, ông Rodrigo Duterte. Phát biểu với báo giới, bà Grace Poe nói: "Tôi chúc mừng ông Duterte. Ông ấy rõ ràng là ứng cử viên dẫn đầu trong quá trình kiểm phiếu đang diễn ra và đã được đa số người dân lựa chọn. Tôi cũng rất hài lòng vì bản thân tôi cũng như nhóm của tôi và những người ủng hộ cho tôi đã tham gia cuộc bầu cử một cách công bằng”.
Trong khi đó, phát biểu tại thành phố Davao, ông Duterte khẳng định sẽ chấp nhận sự ủy nhiệm của người dân. Trong quá trình tranh cử, ông đã từng cam kết nếu đắc cử sẽ nỗ lực quét sạch tội phạm và tham nhũng.
Theo thông báo của Ủy ban bầu cử Phillippines, tổng cộng 81,5% số cử tri nước này đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 9/5. “Donald Trumph của Philippines” muốn đàm phán đa phương về Biển Đông
5. Báo chí Triều Tiên ngày 10/5 đưa tin, ông Ri Yong Gil cựu tướng lĩnh quân đội mà Hàn Quốc cáo buộc là đã bị xử tử thực chất vẫn còn sống.
Theo các phương tiện truyền thông Triều Tiên, cựu tướng lĩnh quân đội Ri Yong Gil hiện đang nắm giữa những vị trí mới cao hơn. Tuyên bố này cho thấy những sai lầm của tình báo Hàn Quốc, cơ quan không ít lần thu thập những thông tin không chính xác về Triều Tiên.
Tướng Triều Tiên Ri Yong-gil (trái), người mà phía Hàn Quốc cáo buộc là đã bị xử tử thực chất vẫn còn sống. (Ảnh: AFP/TTXVN). |
Ông Ri Yong Gil được xem là một trong những thân tín của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhưng lại không có mặt trong 2 cuộc họp chủ chốt hồi tháng 2 và phía tình báo Hàn Quốc sau đó đã kết luận rằng ông Ri Yong Gil bị xử tử vì tội tham nhũng và các cáo buộc khác.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) sau đó cũng khẳng định một người khác thay thế vị trí của ông Ri Yong Gil trong quân đội.
Sau đó hãng thông tấn này không đưa thêm thông tin nào về ông cho đến thông cáo ngày 10/5, trong đó cho biết ông Ri Yong Gil nắm giữ một chức vụ quan trọng sau khi Đại hội đảng Lao động Triều Tiên bế mạc tại Thủ đô Bình Nhưỡng ngày 9/5.
Bộ thống nhất Hàn Quốc ngày 10/5 cũng khẳng định ông Ri Yong Gil đã trở lại chính trường Triều Tiên sau khi phân tích những bức ảnh và đoạn băng ghi hình Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên. Bình Nhưỡng “nhuộm đỏ” ngày bế mạc Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên
6. Thượng viện Brazil ngày 9/5 quyết định sẽ vẫn tiến hành cuộc bỏ phiếu về việc luận tội Tổng thống Dilma Rousseff, bất chấp quyết định trước đó của quyền Chủ tịch Hạ viện Waldir Maranhao về việc hủy bỏ việc luận tội Tổng thống.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. (ảnh: spotniks.com). |
Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros cho biết, ông đã bác bỏ quyết định của quyền Chủ tịch Hạ viện Maranhao và cuộc bỏ phiếu về việc có xét xử Tổng thống hay không sẽ vẫn diễn ra như dự kiến. Nếu Thượng viện bỏ phiếu thông qua, bà Rousseff sẽ bị đình chỉ chức vụ tổng thống trong vòng 6 tháng.
Trước đó, quyền Chủ tịch Hạ viện Maranhao nói rằng, đã có sự sai soi về quá trình trong cuộc bỏ phiếu thông qua việc luận tội Tổng thống tại Hạ viện hôm 17/4. Ông cũng kêu gọi Hạ viện tiến hành một cuộc bỏ phiếu khác về vấn đề này./.