Thế giới 24h: Mỹ điều tàu sân bay đến Biển Đông "nắn gân" Trung Quốc
VOV.VN - Hải quân Mỹ cho biết, tàu của nước này sẽ thường xuyên qua lại tuyến đường hàng hải quốc tế ở Biển Đông bất chấp những cảnh báo của Trung Quốc.
1. Trong một động thái được cho là để đối phó với mối quan ngại ngày càng gia tăng khi Trung Quốc không ngừng có các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, Hải quân Mỹ đã cử một tàu sân bay cùng các tàu hộ tống đi kèm đến Biển Đông.
Tàu sân bay USS John C. Stennis của Hải quân Mỹ. (Ảnh: navaltoday) |
Tờ Washington Post dẫn lời Trung tá Hải quân Clay Doss của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết, tàu sân bay USS John C. Stennis đã đến Biển Đông hôm 2/3. Đi kèm với USS John C.Stennis là tàu tuần dương USS Mobile Bay, các khu trục hạm USS Stockdale và USS Chung-Hoon.
Trước khi vào Biển Đông, nhóm tàu này đã đến Tây Thái Bình Dương hôm 4/2 sau khi xuất phát từ bờ Tây của Mỹ.
Ông Doss cho biết, hoạt động của tàu sân bay USS John C. Stennis nằm trong khuôn khổ cuộc tuần tra định kỳ ở Biển Đông, nơi Trung Quốc gần đây bị tố là triển khai tên lửa, chiến đấu cơ và radar trên các đảo mà nước này chiếm giữ trái phép.
Trong tuyên bố của mình, ông Doss không đề cập đến việc khi nào các tàu thuộc nhóm tàu sân bay nói trên hoàn thành nhiệm vụ ở Biển Đông.
Mỹ cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
2. Trong một động thái mới nhằm đáp trả nghị quyết trừng phạt hà khắc của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và sự leo thang căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á, hôm qua (3/3) hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên đưa tin cho biết, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un yêu cầu tăng cường sức mạnh hạt nhân cả về số lượng và chất lượng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm có được các đầu đạn hạt nhân để bảo vệ đất nước. Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã yêu cầu quân đội nước này tăng cường sức mạnh hạt nhân cả về số lượng và chất lượng. (Ảnh: KCNA) |
Ông Kim Jong-un cũng chỉ thị quân đội chuyển sang chế độ phòng thủ, sẵn sàng cho các cuộc tấn công phủ đầu ở mọi khía cạnh.
Hồi cuối tháng 2 vừa qua, Triều Tiên đã tuyên bố sẽ tấn công phủ đầu Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ nếu liên minh này có hành động gây hấn vũ trang. Giới chuyên gia quân sự của Mỹ đang nghi ngờ rằng Triều Tiên đã phát triển được hệ thống tên lửa tầm xa với đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể bắn sang tới các mục tiêu của Mỹ.
Hiện Quân đội Hàn Quốc đang duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cũng như theo dõi chặt chẽ các động thái từ phía Triều Tiên.
Kẽ hở trong nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của HĐBA
3. Reuters ngày 4/3 dẫn lời người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Fu Ying cho biết, ngân sách quốc phòng của nước này trong năm nay sẽ tăng thêm từ 7 - 8% so với năm 2015 sau gần một thập kỷ liên tiếp tăng chi tiêu quốc phòng ở mức 2 con số.
Các binh sỹ của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. (Ảnh: EPA) |
Theo bà Fu, con số chính thức sẽ được công bố vào ngày mai (5/4), khi Quốc hội Trung Quốc bắt đầu kỳ họp.
Đây là lần đầu tiên ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng dưới 10% kể từ năm 2010. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc 2015 là 886,9 tỷ nhân dân tệ (135,39 USD), tăng 10,1% so với năm trước đó và bằng khoảng 1/4 ngân sách quốc phòng Mỹ.
Giới chức Trung Quốc thường xuyên tìm cách biện minh cho hoạt động hiện đại hóa quân đội bằng cách liên hệ việc tăng chi tiêu quốc phòng với tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng của nước này. Tăng tưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2015 chỉ là 6,9%, mức thấp nhất trong 25 năm qua. Theo dự kiến, đà suy giảm sẽ tiếp tục trong năm 2016.
Bà Fu cho biết, ngân sách Quốc phòng của Trung Quốc dựa trên nhu cầu của nước này cũng như tình trạng “sức khỏe” của nền kinh tế.
Mỹ và Trung Quốc “lời qua tiếng lại” về quân sự hóa trên Biển Đông
4. Ngày 3/3, Ngoại trưởng 4 nước Ukraine, Nga, Đức và Pháp đã có cuộc họp tại Pháp nhằm thảo luận về tình hình tại Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiếp xúc với Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault bên lề cuộc họp của nhóm Bộ tứ. (Ảnh: TASS) |
Sau cuộc họp, các Ngoại trưởng đã nhất trí trí tổ chức cuộc bầu cử ở miền Đông Ukraine vào cuối tháng 6 tới. Ngoại trưởng 4 nước cũng nhất trí rằng, hiệp định hòa bình ký kết tháng 2/2015 ở Minsk nhằm kết thúc xung đột ở miền Đông Ukraine đã đạt được thỏa thuận từ hai bên về việc phóng thích tất cả các tù nhân vào ngày 30/4 tới.
Tuy nhiên, trả lời trước báo giới Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho rằng, cuộc đàm phán không đạt được bước ngoặt đáng kể nào. Ông Klimkin nhấn mạnh, an ninh phải được đảm bảo trước khi các cuộc bầu cử được tiến hành.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng, cuộc họp là thẳng thắn và trực tiếp và có chút ít tiến bộ. Còn Ngoại trưởng Nga và Đức không có bình luận sau cuộc họp. Miền Đông căng thẳng, Ukraine tham vấn khẩn nhóm bộ tứ Normandie
5. Ngày 3/3, tại thủ đô La Habana của Cuba, Liên minh châu Âu (EU) và Cuba đã bắt đầu bước vào vòng đàm phán thứ 7 về Thỏa thuận Đối thoại Chính trị và Hợp tác song phương.
Mối quan hệ giữa Cuba với phương Tây đang có dấu hiệu khởi sắc trong thời gian qua. (Ảnh minh họa: Sputnik) |
Trưởng đoàn đàm phán của Cuba, Thứ trưởng ngoại giao Abelardo Moreno và phía EU là phó Tổng thư ký các vấn đề kinh tế và toàn cầu của cơ quan đối ngoại EU ở khu vực châu Mỹ Christian Leffler.
Tại vòng đàm phán lần này, hai bên tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến thương mại, đầu tư, hợp tác và các thỏa thuận chính trị. Ông Abelardo Moreno, trưởng đoàn đàm phán Cuba bày tỏ tin tưởng rằng sau vòng đàm phán cả hai bên sẽ thực hiện những bước tiến có ý nghĩa, đồng thời để ngỏ khả năng sẽ kết thúc thành công quá trình thương lượng vào cuối tuần này.
Về phần mình, ông Leffler nhất trí với sự lạc quan này và cho rằng, đã tới thời điểm khép lại thỏa thuận khung vốn được nhìn nhận như văn bản về bình thường hóa quan hệ để đi đến ký kết một thỏa thuận mang tính ràng buộc. Đối với EU, đây sẽ là nền tảng vững chắc thúc đẩy quan hệ giữa Cuba và Liên minh châu Âu./. Mỹ-Cuba khôi phục đường bay trực tiếp lần đầu tiên sau hơn 50 năm