Thế giới 24h: Mỹ, EU ca ngợi chiến thắng của bà Suu Kyi, Myanmar
VOV.VN - Mỹ và EU đều hoan nghênh kết quả bầu cử của Myanmar với chiến thắng ban đầu thuộc về đảng NLD đối lập và gọi đây là thắng lợi lịch sử của người dân.
1, Cuối ngày 9/11, Ủy ban bầu cử Myanmar công bố, Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập đã giành được 70% số ghế tại Hạ viện.
Những người ủng hộ đảng đối lập đã đổ về trụ sở của đảng này ở Yangon để múa hát ăn mừng chiến thắng. Trong khi đó, Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền đã thừa nhận thất bại trong cuộc Tổng tuyển cử.
Thủ lĩnh đảng NLD đối lập Aung San Suu Kyi vẫy tay chào người ủng hộ khi tới thăm các điểm bỏ phiếu tại Kawhmu, Myanmar ngày 8/11/2015. (ảnh: Reuters). |
Ngày 9/11, Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra tại Myanmar và cho đây là một thắng lợi lịch sử đối với người dân nước này.
Người phát ngôn của Nhà Trắng Josh Earnest đồng thời khẳng định, cuộc tổng tuyển cử này đã giúp mở ra triển vọng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Myanmar.
Người phát ngôn Josh Earnest cho biết, cuộc tổng tuyển cử đã thể hiện bước tiến quan trọng trong tiến trình dân chủ tại Myanmar.
Thắng lợi của bà Suu Kyi mở đường cho một nền dân chủ ở Myanmar
Ngày 10/11, Liên minh châu Âu cho biết tổ chức này đánh giá cao cuộc bầu cử quốc hội vữa diễn ra ở Myanmar đồng thời kêu gọi tất cả các bên tham gia bầu cử chấp nhận kết quả trên tinh thần đoàn kết dân tộc và hòa giải.
Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nhấn mạnh, cuộc bầu cử là giai đoạn lịch sử quan trọng của Myanmar. Việc tất cả các đảng chính trị lớn tại Myanmar tham gia cuộc bầu cử một cách yên bình là tiền đề đưa đất nước Myanmar tiến tới nền dân chủ, bà Mogherini cho biết thêm.
2, Ngày 10/11, Thủ tướng Anh David Cameroon tuyên bố nếu Liên minh châu Âu (EU) không nhanh chóng cải tổ Anh sẽ ra đi.
Viễn cảnh Anh rời khỏi EU đang hiển hiện. (Ảnh minh họa AP). |
Theo kế hoạch, Thủ tướng Anh sẽ gửi một bức thư tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kèm theo các yêu cầu cải cách cụ thể với EU vào ngày hôm nay (10/11).
“Sẽ có những người ở nước này hoặc nước kia trong EU nói rằng, Anh đang đòi hỏi EU phải thực hiện một “nhiệm vụ bất khả thỉ” tuy nhiên, tôi không bao giờ tin vào điều này”, Thủ tướng Anh Cameron nói.
Thủ tướng Anh khẳng định, ông thích ở lại một EU đã tiến hành cải tổ hơn, nhưng ông cũng muốn qua tuyên bố này gửi lời cảnh báo mạnh mẽ nhất đến EU rằng, Anh sẽ rời khỏi khối nếu lãnh đạo các nước khác không chấp thuận đòi hỏi của Anh.
Bức thư của Thủ tướng Anh sẽ đánh dấu việc Anh và các nhà lãnh đạo EU tái khởi động một cuộc đàm phán trước khi bước vào Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu vào tháng 12 tới. Ông Cameron đã cam kết sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh nên đi hay ở lại EU vào cuối năm 2017.
3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 10/11 đã đến Philippines gặp gỡ Tổng thống Benigno Aquino III và người đồng cấp Albert del Rosario.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Albert del Rosario (trái). (ảnh: AP). |
Đây là chuyến thăm Philippines đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc trong nhiều năm qua trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước bị tổn hại bởi tranh chấp trên Biển Đông.
AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 9/11 cho biết, chuyến thăm của ông Vương Nghị là nhằm mở đường cho chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Philippines để tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC).
Ngoài ra, việc ông Tập Cận Bình đến Philippines cũng được cho là nhằm cải thiện quan hệ song phương.
4, Ngày 9/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng.
Tại cuộc gặp, 2 nhà lãnh đạo đã tìm cách thu hẹp bất đồng xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran và cùng làm việc về một gói hỗ trợ quân sự mới của Mỹ cho Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng năm 2013. (ảnh: AP). |
Tổng thống Obama thừa nhận hai bên đã có những bất đồng nhất định trong việc ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran vừa qua, song khẳng định, vấn đề an ninh của Israel là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Ông Obama cũng bày tỏ lo ngại trước bất ổn đang có xu hướng gia tăng trong khu vực và mong muốn thảo luận với người đứng đầu chính phủ Israel về khả năng nối lại các vòng đàm phán hòa bình sau những căng thẳng gần đây giữa người Israel và Palestine.
Trước những động thái tích cực từ đồng minh chiến lược Mỹ, Thủ tướng Netanyahu khẳng định, ông vẫn chưa từ bỏ các nỗ lực tìm kiếm hòa bình với người Palestine
5, Ngoại trưởng Nga Lavrov ngày 9/11 khẳng định, vòng đàm phán sắp tới về vấn đề Syria sẽ không chỉ tập trung vào việc ông Assad phải ra đi.
Theo ông Lavrov, các cuộc đàm phán cần phải nhắm đến việc đạt được sự đồng thuận về việc ai sẽ đại diện cho phe đối lập tại Syria và bên nào sẽ bị coi là các lực lượng cực đoan.
Từ trái sang: Ngoại trưởng Nga Lavrov, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria de Mistura và ngoại trưởng Mỹ Kerry tại vòng đàm phán Vienna ngày 30/10 vừa qua. (Ảnh: AP). |
Trước đó, tại vòng đàm phán đầu tiên tại Vienna ngày 30/10, Mỹ, Nga, Iran và nhiều quốc gia khác đã chấp thuận việc cần phải nỗ lực tìm ra một giải pháp hòa bình có sự tham gia của Chính phủ và lực lượng đối lập tại Syria. Các bên cũng không đề cập đến thời điểm ông Assad phải từ bỏ quyền lực.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết, “vẫn còn rất nhiều việc hậu trường” phía sau cuộc đàm phán sắp tới và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry “đang rất nỗ lực để thúc đẩy tiến trình này”. Tuy nhiên, theo ông Hammond, các bên không được phép đánh giá thấp “những thách thức liên quan đến vấn đề Syria”./.