Thế giới 24h: Nga - Ukraine đối đầu trong vụ Tư lệnh hạm đội Biển Đen
VOV.VN - Tòa án Kiev đã chấp thuận đề nghị của Công tố viên quân đội Ukraine về việc bắt giữ Đô đốc Aleksandr Vitko, Tư lệnh hạm đội Biển Đen của Nga.
1. Theo tờ Pravda, trước đó, ngày 22/4, Công tố viên quân đội Ukraine cho biết, họ đã cáo buộc ông Vitko gây ra những tội ác nghiêm trọng đối với Ukraine.
“Ông Vitko đã nhận được cáo buộc chính thức từ phía Công tố viên quân đội Ukraine thông qua một văn bản được hãng vận tải quốc tế DIMEX gửi cho ông tại Sevastopol vào ngày 18/4”, Tổng Công tố Ukraine cho biết.
Đô đốc Aleksandr Vitko, Tư lệnh hạm đội Biển Đen của Nga. Ảnh Pravda. |
Do ông Vitko không trình diện theo lệnh triệu tập của Tòa án Kiev, ông đã bị đưa vào danh sách truy nã của Ukraine vào ngày 26/4. Trong khi đó, người phát ngôn Hạm đội Biển Đen cho biết, ông Vitko không nhận được bất kỳ văn bản hay giấy tờ nào liên quan đến vụ việc nói trên.
Theo tờ Pravda, Đô đốc Vitko bị cáo buộc gây tội ác nghiêm trọng vào khoảng thời gian từ 20/2-21/3/2014 với mục đích thay đổi biên giới của Ukraine. Theo đó, Công tố viên Ukraine cho rằng, ông Vitko là kẻ “đạo diễn và tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine”.
Bộ Quốc phòng Nga đã lên tiếng cho rằng, đây là một hành động khiêu khích từ phía Ukraine. Theo Bộ Quốc phòng Nga, Đô đốc Vitko đang thực thi nhiệm vụ của mình cùng với hạm đội Biển Đen đồn trú tại Crimea.
2. Reuters ngày 28/4 đưa tin, Mỹ vừa lên tiếng cho rằng, Trung Quốc có nguy cơ bị tổn hại uy tín “khủng khiếp” nếu Bắc Kinh phớt lờ một phán quyết của Tòa án quốc tế liên quan đến vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông. Mỹ đồng thời kêu gọi các nước Đông Nam Á đoàn kết ủng hộ quyết định của tòa án.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: AP). |
Theo kế hoạch, tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay trong vài tuần tới sẽ đưa ra phán quyết liên quan đến vụ kiện của Philippines về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông – tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng của thế giới.
Giới quan sát đều cho rằng, phán quyết nhiều khả năng sẽ nghiêng về phía Philippines và làm gia tăng đáng kể rủi ro trong khu vực, bởi Trung Quốc dù là quốc gia tham gia ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) nhưng tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết của tòa án.
TNS Mỹ: “Mỹ cần cứng rắn với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông”
3. Reuters dẫn lời Bộ chỉ huy Chiến lược của Mỹ cho biết, họ đã theo dõi 2 vụ phóng thử tên lửa nói trên của Triều Tiên nhưng cả hai vụ đều không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào có thể đe dọa đến Mỹ.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh Reuters. |
Người phát ngôn Bộ chỉ huy Chiến lược của Mỹ, Thượng tá Martin O’Donnell cho biết: “Những dấu hiệu ban đầu cho thấy cả hai vụ thử tên lửa đều đã thất bại”.
Trong khi đó, một chuyên gia quốc phòng tại Seoul cho biết, hai vụ phóng thử của Triều Tiên dường như diễn ra trong vội vã.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, vụ phóng thử đầu tiên diễn ra vào lúc 6h40 sáng gần bờ biển phía Đông thành phố Wonsan. Quả tên lửa Musudan trong vụ phóng thử này đã rơi xuống chỉ vài giây sau khi được phóng đi.
Trong vụ phóng thử thứ 2 diễn ra lúc 19h26, Triều Tiên cũng phóng cùng loại tên lửa này ở cùng một khu vực như vụ đầu tiên và cũng đã thất bại.
Quân đội Hàn Quốc ngày 29/4 thông tin thêm, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng thử thêm tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-Kyun cho biết, thực tế là Triều Tiên vẫn phóng thử tên lửa Munsudan dù đã thất bại trước đó. Do đó, không thể loại bỏ khả năng Triều Tiên sẽ thực hiện thêm các vụ phóng mới.
Kế hoạch THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc đe dọa an ninh Nga-Trung
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, tiếp sau các vụ phóng thất bại này, Triều Tiên càng mong muốn thực hiện vụ thử hạt nhân trước thềm Đại hội lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên dự kiến bắt đầu vào tuần tới. Ngoài ra, rất có thể Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 trong dịp này.
4. Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, người đứng đầu Hội đồng Tổng thống Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya, Thủ tướng Fayez Al-Sarraj cho biết, nước này đang xây dựng một kế hoạch cụ thể cho cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng mà không có bất kỳ sự can thiệp của nước ngoài nào.
Thủ tướng Fayez Al-Sarraj cho biết Libya đang xây dựng một kế hoạch cụ thể cho cuộc chiến chống lại IS. (ảnh: EPA). |
Theo Thủ tướng Fayez Al-Sarraj, Chính phủ đoàn kết dân tộc cần nỗ lực và thống nhất trong cuộc chống lại chủ nghĩa khủng bố. Cuộc chiến này sẽ được bắt đầu từ thành phố Sirte – nơi đang bị kiểm soát bởi IS.
Trong bài phát biểu của mình, ông Fayez Al-Sarraj cũng kêu gọi các thành viên Chính phủ đoàn kết dân tộc phải hành động vì lợi ích của tất cả người dân Libya.
Trong những ngày gần đây, Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya đã tiếp nhận nhiều văn phòng trụ sở các Bộ ngành quan trọng tại thủ đô Tripoli từ phía Chính phủ đối lập, vốn không được quốc tế công nhận.
Theo giới quan sát, việc tiếp nhận và bàn giao giữa các bên diễn ra khá thuận lợi. Đây được xem bước tiến lớn cho tiến trình hòa bình tại Libya và xa hơn nữa đó chính là cuộc chiến chống IS.
Ông Obama thừa nhận có nhiều sai lầm khi can thiệp vào Libya
5. Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov đã lên tiếng mô tả đất nước ông như là nơi duy nhất trên thế giới không còn tồn tại chủ nghĩa khủng bố.
TASS dẫn lời ông Ramzan Kadyrov nói vào ngày 28/4 cho biết: “Chechnya là nơi duy nhất trên thế giới mà chủ nghĩa khủng bố không còn đất sống. Chúng tôi đã giành được chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố. Đất nước chúng tôi đã sạch bóng khủng bố và chúng tôi sẽ không để cho chúng tái xuất”.
Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov trong một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. (ảnh: TASS). |
Ông Kadyrov cũng mô tả rằng, chỉ mới đây thôi, tình hình ở Chechnya cũng giống với tình hình hiện tại ở Syria.
Lãnh đạo Chechnya chia sẻ: “Chúng tôi đã phải đối mặt với những kẻ như Abu-Walid, Hattab, Abu-Umar và nhiều tên khác. Bọn chúng đều biết tiếng Nga và được trang bị kiến thức quân sự đầy đủ. Chúng hoạt động bí mật và được đào tạo kỹ lưỡng. Chúng tôi không chỉ đánh bại chúng mà còn đánh bại âm mưu của phương Tây và châu Âu sử dụng Chechnya như một công cụ gây bất ổn cho nước Nga”.
6. Ngày 28/4, 24 cảnh sát Pháp đã bị thương trong các vụ đụng độ xảy ra trên cả nước với những người biểu tình phản đối cải cách lao động. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết, trong số những cảnh sát bị thương có 3 trường hợp tại Thủ đô Paris, với 1 người đang trong tình trạng nghiêm trọng.
Biểu tình chống cải cách lao động đang bùng phát tại Pháp. (ảnh: AP). |
Cảnh sát bắt giữ 128 người biểu tình trên cả nước, nâng tổng số bị bắt lên 382 người kể từ khi biểu tình chống cải cách lao động bùng phát tại Pháp hồi tháng trước.
Nguồn tin cảnh sát cũng cho biết, chỉ riêng tại Paris cuộc biểu tình đã thu hút 15.000 người tham gia. Cảnh sát chống báo động đã phải sử dụng hơi gas để giải tán đám đông quá kích đang ném đồ vật vào lực lược chức năng.
Các cuộc đình công và biểu tình đã ảnh hưởng tới giao thông công cộng tại Paris và khiến một số chuyến bay tại sân bay Orly ở phía Nam Thủ đô nước Pháp bị hủy bỏ./.