Thế giới 24h: Nghi phạm đánh bom New York đối mặt với án chung thân
VOV.VN - Khan Rahami– nghi phạm gây ra vụ đánh bom tại New York và New Jersey bị cáo buộc tới 10 tội danh và sẽ phải đối mặt với án tù chung thân.
1. Theo các công tố viên, nghi phạm Ahmad Khan Rahami đã mua các phụ kiện chế tạo bom trên trang mạng eBay, quay video thử nghiệm quả bom tự tạo và giữ một tờ báo với nội dung bày tỏ sự “phẫn nộ” về việc Mỹ đã tiêu diệt các phần tử thánh chiến ở Afghanistan, Iraq, Syria và Palestine.
Hiện trường vụ đánh bom kinh hoàng tại New York. Ảnh: AP
Cảnh sát trưởng thành phố New York, James O'Neill cho biết, Ahmad Khan Rahami bị bắt giữ vào ngày 19/9 tại Linden, New Jersey, sau một cuộc đọ súng với cảnh sát. Tên này đã bị bắn nhiều phát đạn, song đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch vào ngày 20/9. Tuy nhiên cảnh sát vẫn chưa thể phỏng vấn tên này để khai thác sâu thông tin.
Ahmad Khan Rahami bị cáo buộc đã đặt và kích nổ quả bom tại khu vực Chelsea ở quận Manhattan, New York, làm 31 người bị thương vào ngày 17/9. Tên này cũng bị nghi ngờ cài và kích nổ một quả bom ống ở bang New Jersey hồi cùng ngày, song không gây thương vong.
Bên cạnh đó, Ahmad Khan Rahami được cho là đã cài một quả bom được chế tạo từ nồi hơi tại Chelsea và các quả bom khác tại khu vực Elizabeth (New Jersey). Một trong những quả bom này đã phát nổ khi rô bốt rà phá bom mìn cố gắng vô hiệu hóa chúng.
2. Ngày 20/9, ít nhất 12 cảnh sát bị thương vì đụng độ với người biểu tình liên quan đến việc cảnh sát bắn chết một người gốc Phi ở Charlotte, Mỹ.
Trong thông báo đăng tải trên trang mạng Twitter, Cơ quan cảnh sát khu vực Charlotte-Mecklenburg (CMPD) cho biết, những người biểu tình đã bao vây các nhân viên cảnh sát đang cố rời hiện trường và một đơn vị khẩn cấp phụ trách dân sự đã được triển khai ngay sau đó để giúp họ di chuyển một cách an toàn.
Cảnh sát Mỹ đụng độ người biểu tình tại Charlotte-Mecklenburg. Ảnh: Reuters |
Ông Keith Trietley nhân viên quan hệ công chúng của cơ quan này khẳng định, vào khoảng 16h chiều 20/9 (giờ địa phương) trong lúc các nhân viên cảnh sát đang lục soát một tòa nhà trong khu vực để tìm kiếm nghi phạm có lệnh truy nã thì họ nhìn thấy một người đàn ông ra khỏi xe ô tô với khẩu súng trên tay.
Cho rằng đây là đối tượng nguy hiểm, cảnh sát đã bắn anh ta. Người bị bắn là Lamont Scott, 43 tuổi, được đưa đến trung tâm y tế Carolinas ở Charlotte, song do vết thương quá nặng nên đã tử vong.
Nhân viên cảnh sát bắn người này là Bradley Vinson, gia nhập đơn vị cảnh sát từ tháng 7/2014. Cảnh sát đã thu giữ khẩu súng của Lamont Scott và tiến hành phỏng vấn các nhân chứng tại hiện trường.
Video bạo lực bùng phát sau vụ cảnh sát Mỹ bắn chết người da màu
3. Hội nghị Ngoại trưởng G7 đã chính thức bắt đầu vào sáng ngày 21/9 (giờ Nhật Bản) tại New York, Mỹ. Liên quan đến vấn đề an ninh biển, Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng G7 bày tỏ sự lo ngại đối với những vấn đề phát sinh gần đây tại Biển Đông và Hoa Đông.
Tuyên bố phê phán Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng tại Hoa Đông bằng cách phá tàu thuyền của cả ngư dân, tàu Hải cảnh tới khu vực Senkaku/Điếu Ngư, xây dựng đường băng tại khu vực khai thác dàu mỏ chung với Nhật Bản.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá ở Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Về việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa tại Biển Đông, các nước G7 đã phản đối mạnh mẽ hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng và thực hiện luật pháp quốc tế.
Tuyên bố cũng đã phủ nhận phát ngôn của Trung Quốc coi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về “đường chín đoạn” tại Biển Đông là “giấy loại”, phủ nhận hoàn toàn về quyền lợi tại Biển Đông mà Trung Quốc tự cho phép.
Tuyên bố yêu cầu Trung Quốc và ASEAN sớm đưa ra Bộ quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC).
Đài Loan xây dựng cơ sở phòng không trái phép trên đảo Ba Bình
VOV.VN - Một quan chức Đài Loan thừa nhận việc xây thêm bốn cấu trúc trên đảo Ba Bình nhưng từ chối cho biết mục đích sử dụng.
Đài Loan xây dựng cơ sở phòng không trái phép trên đảo Ba Bình
4. Phiên họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đêm 20/9 đã chính thức khai mạc tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ.
Trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ trước toàn thể Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Obama đã đề cập nhiều vấn đề lớn của thế giới như cuộc khủng hoảng người di cư, vấn đề Biển Đông, tiến trình hòa bình Trung Đông. Vấn đề Syria được nhà lãnh đạo Mỹ đặc biệt quan tâm.
Binh sĩ Syria chiến đấu chống lại phe đối lập tại Aleppo. Ảnh: AP |
Theo ông Obama, tình hình Syria hiện nay là không chấp nhận được. Thế giới chưa thống nhất quan điểm trong việc chấm dứt khủng hoảng Syria. Ông Obama khẳng định ngoại giao là con đường duy nhất để chấm dứt xung đột đã kéo dài 5 năm qua tại quốc gia này.
Ông Obama nói: “Chúng ta không được để khủng hoảng tiếp diễn tại Syria. Mặc dù, vấn đề Syria không phải là chủ đề của phiên họp song những gì đang xảy ra ở Syria là không thể chấp nhận được. Chúng ta vẫn chưa thống nhất quan điểm về Syria và chúng ta nên cùng nhau hành động nhằm chấm dứt nội chiến tại đây”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng dành nhiều thời gian trong bài phát biểu của mình để nói về cuộc khủng hoảng Syria. Gọi cuộc khủng hoảng Syria là vết nhơ trong lương tâm của thế giới, Tổng thống Pháp kêu gọi chấm dứt bạo lực kéo dài tại quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết: "Tình hình Syria là một nỗi ô nhục, là vết nhơ trong lương tâm của cộng đồng thế giới. Hôm nay là cuộc tấn công ở thành phố Aleppo song ngày mai sẽ còn những vụ tấn công ở đâu đó nữa".
"Người dân Syria đang bị kẹt lại ở bên trong, bị vây hãm. Đoàn xe cứu trợ bị tấn công. Vũ khí hóa học được sử dụng trong cuộc chiến tại Syria. Trẻ em thì bị biến thành nạn nhân của chiến tranh hàng ngày hàng giờ. Cần có một hành động quốc tế tại Syria", Tổng thống Pháp nói.
Ông Hollande cũng cho biết, trong thời gian tới, Pháp sẽ đóng vai trò trung tâm hơn trong việc thúc đẩy hòa bình ở Syria.
Lệnh ngừng bắn của Mỹ và Nga không phải là thần dược cho Syria
VOV.VN - Liên Hợp Quốc ngày 20/9 tuyên bố tạm ngừng mọi hoạt động viện trợ nhân đạo ở Syria sau khi xảy ra vụ không kích nhằm vào đoàn xe cứu trợ gần Aleppo.
Lệnh ngừng bắn của Mỹ và Nga không phải là thần dược cho Syria
5. Ngày 20/9, phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở New York, Mỹ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, Bắc Kinh sẽ tiếp tục hợp tác với Washington để thúc đẩy phát triển mối quan hệ theo hướng tích cực dù người thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây có là ai đi chăng nữa.
Ông Lý Khắc Cường, người đang có mặt ở New York tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cho rằng, cuộc bầu cử ở Mỹ là công việc nội bộ của nước này, vì vậy ông không đưa ra bình luận nhưng tin tưởng rằng, mối quan hệ hai nước sẽ không thay đổi sau khi nước Mỹ có Tổng thống mới.
Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: AP |
“Sẽ không có vấn đề gì đối với người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tôi tin rằng mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và theo hướng tích cực”, ông Lý nói.
Cũng tại diễn đàn này, trước những lời phàn nàn của một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, Trung Quốc hạn chế quyền tiếp cận thị trường nước này, Thủ tướng Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc đã mở cửa cho hoạt động đầu tư nước ngoài dù một số ngành kinh tế vẫn chưa trưởng thành và cánh cửa chắc chắn sẽ “không đóng chặt”.
Ông Lý cũng cam kết rằng, Trung Quốc sẽ không phá giá đồng Nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế của nước này đang ở mức chậm nhất trong vòng hai thập kỷ qua.
“Không có một cơ sở nào cho sự mất giá liên tục của đồng Nhân dân tệ và Trung Quốc cũng không có ý định lợi dụng sự mất giá liên tục của đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu, bởi điều đó là hoàn toàn bất lợi cho chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc”, ông Lý nói.
Một số nhà phê bình ở Mỹ cáo buộc rằng, Trung Quốc vẫn đang thao túng đồng tiền bất chấp việc Bộ Tài chính Mỹ cho biết, đồng Nhân dân tệ không bị định giá thấp./.