Thế giới 24h: Nhật phản đối Trung Quốc đặt radar trên biển Hoa Đông
VOV.VN - Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc đang âm mưu sử dụng giàn khoan thăm dò khí đốt ở vùng biển tranh chấp cho mục đích quân sự.
1. Reuters ngày 7/8 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh sau khi phát hiện việc Trung Quốc lắp đặt thiết bị radar trên một giàn khai thác khí tự nhiên của nước này tại Biển Hoa Đông, gần vùng biển tranh chấp giữa hai nước.
Giàn khoan của Trung Quốc bị Nhật Bản tố có lắp thiết bị radar. (Ảnh: Reuters)
Phía Nhật Bản bày tỏ quan ngại, thiết bị radar - loại thường thấy trên các tàu tuần tra là không cần thiết cho việc khai thác ở một mỏ khí đốt, đồng thời cho rằng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có ý định sử dụng giàn khoan thăm dò khí đốt ở vùng biển tranh chấp cho mục đích quân sự.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Tokyo phát hiện ra thiết bị radar này từ cuối tháng 6/2016 và đã trao công hàm phản đối qua Đại sứ quán Trung Quốc hôm 5/8 để thúc giục Bắc Kinh giải thích mục đích của việc làm này.
Nhật Bản lên án giàn khoan “trá hình” của Trung Quốc ở biển Hoa Đông
2. Cũng liên quan đến tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hãng tin Kyodo cho biết, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) sáng 7/8 đã phát hiện 2 tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông, hiện do Nhật Bản kiểm soát song Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Tàu hải cảnh Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Trong một thông báo được phát đi cùng ngày, Cục Hải dương Trung Quốc cho biết, hai tàu hải cảnh mang số hiệu 2166 và 33115 đã tiến hành “tuần tra hàng hải” trong khu vực lãnh hải quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Senkaku.
Ngoài ra, 7 tàu khác của Trung Quốc cũng bị phát hiện ở vùng tiếp giáp với khu vực trên. Trung Quốc tiếp tục điều tàu đến gần Senkaku/Điếu Ngư
3. Ngày 7/8, gần 100.000 điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước Thái Lan đồng loạt mở cửa lúc 8h sáng (giờ địa phương) để đón khoảng 50 triệu cử tri đi bỏ phiếu cho dự thảo Hiến pháp mới của nước này.
Cử tri Thái Lan bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 7/8. |
Các cử tri Thái Lan sẽ lựa chọn có hoặc không cho hai câu hỏi, có thông qua bản dự thảo hiến pháp mới hay không và Thượng viện có được cùng tham gia với Hạ viện để bầu Thủ tướng mới hay không.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi bỏ phiếu, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết, cuộc trưng cầu ý dân này sẽ quyết định tới tương lai của đất nước. Ông hy vọng các cử tri trên khắp Thái Lan sẽ đi bỏ phiếu để quyết định về bản hiến pháp mới, qua đó có thể mở đường cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017.
Dự kiến, các địa điểm bỏ phiếu đóng cửa vào lúc 16h chiều nay. Kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu ý dân này sẽ được công bố vào lúc 21h cùng ngày. Cử tri Thái Lan bỏ phiếu trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp mới
Thủ tướng Thái Lan kêu gọi cử tri bỏ phiếu vì nền dân chủ
4. BBC đưa tin, ngày 6/8, lực lượng chống chính phủ Syria cho biết đã phá vỡ vòng vây của quân đội và chiếm quyền kiểm soát Ramussa, “mở được tuyến đường đến Aleppo”, mặc dù chính quyền bác bỏ thông tin này.
Chiến sự ở Aleppo vẫn đang diễn ra rất ác liệt. (Ảnh: AMC) |
Ông Rami Abdel Rahman, người đứng đầu Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, quân nổi dậy xác nhận, đã có sự kết nối được với lực lượng của họ bên trong Aleppo, mặc dù họ “chưa hoàn toàn lập được tuyến đường an toàn vững chắc”.
Trong khi đó, các nguồn tin thân cận với lực lượng chính phủ bác bỏ tin họ bị đẩy lui ra khỏi Aleppo. Kênh truyền hình Al-Manar của Hezbollah cũng lên tiếng bác bỏ các thông tin Ramussa thất thủ và vòng vây bị phá vỡ.
Thông tin nói trên xuất hiện sau khi không quân Syria gia tăng các cuộc không kích nhằm vào lực lượng phiến quân tại khu vực phía Bắc thành phố Aleppo ngày 6/8 nhằm mục tiêu cắt đứt hầu hết các tuyến đường mà các phần tử vũ trang có thể lợi dụng để phá vỡ vòng vây của quân chính phủ. Nga hội đàm với lãnh đạo đối lập Syria về cuộc chiến chống khủng bố
5. Sputnik ngày 7/8 đưa tin, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ cử một đoàn đại diện tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới để thảo luận vấn đề dẫn độ giáo sỹ Hồi giáo sống lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành đêm 15/7 vừa qua.
Giáo sĩ Gulen bị giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho là đứng sau cuộc đảo chính hôm 15/7. (Ảnh: Reuters) |
Hãng Thông tấn Anadolu dẫn thông tin từ Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, phía Mỹ đã bắt đầu khởi động cuộc đàm phán về vấn đề này và đã gửi thư cho Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liên tục cáo buộc giáo sỹ Gulen và những người trong tổ chức của ông này dàn dựng âm mưu đảo chính đêm 15/7 vừa qua và nhiều lần yêu cầu Mỹ dẫn độ ông Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ quy án.
Tuy nhiên phía Mỹ khẳng định, chỉ thực hiện yêu cầu này khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra được bằng chứng xác thực. Trước đó vào ngày 4/8, tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức phát lệnh bắt giữ giáo sỹ Gulen./.