Thế giới 24h: Ông Trump cân nhắc nhân sự cho chính quyền tương lai
VOV.VN - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ trao các vị trí quan trọng trong chính quyền cho những người sát cánh bên ông trong chiến dịch tranh cử.
1. Hãng tin Reuters ngày 9/11 dẫn một nguồn thạo tin về kế hoạch chuyển giao quyền lực đối với ông Donald Trump - người vừa đắc cử Tổng thống Mỹ cho biết, hiện đã có dự kiến cho các vị trí chủ chốt trong chính quyền mới.
Thượng nghị sỹ bang Alabama Jeff Sessions xuất hiện cùng ông Donald Trump trong một buổi vận động tranh cử. (Ảnh: AP) |
Theo nguồn tin, thượng nghị sỹ bang Alabama Jeff Sessions, một trong những người ủng hộ trung thành nhất với ông Trump ở Quốc hội Mỹ trong chiến dịch tranh cử vừa qua, được cho là sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng, Tướng Michael Flynn có khả năng sẽ được chọn vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia. Tron khi đó, chiếc ghế Ngoại trưởng Mỹ được dự kiến dành cho hạ nghị sỹ Newt Gingrich hoặc thượng nghị sỹ Bob Corker thuộc bang Tennessee, người phụ trách Quan hệ đối ngoại của Thượng viện.
Cũng theo nguồn tin này, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus, một cố vấn tin cậy của ông Trump được cân nhắc làm Chánh văn phòng Nhà Trắng. Trong khi Phó Chủ tịch của Ủy ban này Sean Spicer có khả năng được chọn làm Thư ký báo chí Văn phòng Tổng thống.
Ông Donald Trump xem xét các vị trí chủ chốt trong chính quyền mới
2. Hàng nghìn người đã đổ ra đường tại các thành phố có người nhiều ủng hộ đảng Dân chủ ngày 9/11 để phản đối Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Người dân Mỹ ở một số nơi xuống đường phản đối ông Trump. |
Những người biểu tình hô khẩu hiệu chống Tổng thống đắc cử Donald Trump và tuần hành qua nhiều khu phố trước khi tập trung tại các tòa tháp hoặc khách sạn Trump tại một số thành phố như Boston, Los Angeles, New York, Quận Washington, Atlanta, Austin, Chicago, Denver, Philadelphia, San Francisco, Seattle và Denver.
Tại Washington DC, người biểu tình tập trung tại trước cửa Nhà Trắng sau đó chia làm hai hướng tuần hành qua các tuyến phố trước khi tập hợp tại trước Khách sạn Quốc tế Trump.
Nhiều người trước đó cũng tập trung tại một số điểm ở một số thành phố để ủng hộ ông Trump. Xả súng gần nơi biểu tình phản đối ông Trump, 5 người bị thương
3. Ngày 10/11, Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, Tổng thống Rodrigo Duterte đã thông qua kế hoạch tiếp tục tiến hành tập trận quân sự chung với Mỹ.
Binh sĩ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung. (Ảnh: AFP) |
Bộ Quốc phòng Philippines thông báo rằng, các cuộc tập trận chung của nước này với Mỹ sẽ vẫn diễn ra trong năm tới, dù quy mô có thể bị thu hẹp. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Philippines không đưa ra lý do tại sao ông Duterte lại bất ngờ thay đổi quyết định như vậy.
Trước đó, Tổng thống Duterte tuyên bố Philippines sẽ không tổ chức tập trận chung giữa lực lượng vũ trang Philippines và quân đội Mỹ sau năm nay. Ông cũng bày tỏ khả năng đánh giá lại thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ vốn được ký kết bởi người tiền nhiệm Benigno Aquino. Philippines sẽ tiếp tục tổ chức tập trận với Mỹ
4. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua (9/11) cảnh báo sẽ "mở cửa" cho hàng triệu người tị nạn Syria vào châu Âu nếu không có bước tiến trong các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo sẽ "mở cửa" cho hàng triệu người tị nạn Syria vào châu Âu. (Ảnh: NDTV) |
Tuyên bố này của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhằm trả đũa lại việc EU gia tăng chỉ trích các hoạt động trấn áp của Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua.
“Liên minh châu Âu nên đưa ra quyết định cuối cùng về các cuộc đàm phán Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối”, cảnh báo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đưa ra trong bối cảnh bất đồng ngày càng gia tăng giữa quốc gia này với Liên minh châu Âu, đặc biệt sau cuộc đảo chính bất thành gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan cho biết: “Hiện nay có 3 triệu người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Châu Âu cần phải xem xét và suy nghĩ về việc 3 triệu người tị nạn này sẽ đi đâu nếu các cuộc đàm phán thất bại và Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới. Đây là mối lo ngại của họ”.
Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tối hậu thư kiểu này cho Liên minh châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ- hiện là đối tác quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư mà các nước châu Âu đang phải đối mặt.
Biết rõ lợi thế của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần lấy Thỏa thuận di cư giữa hai bên, đạt được vào tháng 3 vừa qua, để hối thúc châu Âu trao quyền miễn thị thực cho công dân nước này và đẩy nhanh các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo “mở cửa” để người tị nạn tràn vào châu Âu
5. Ngày 10/11, cảnh sát Hy Lạp cho biết những kẻ tấn công chưa rõ danh tính đi trên một chiếc xe gắn máy đã ném một thiết bị nổ vào Đại sứ quán Pháp tại trung tâm thủ đô Athens, Hy Lạp sáng sớm nay làm bị thương một lính gác.
Các điều tra viên thu thập chứng cứ tại hiện trường. (Ảnh: Getty) |
Vụ nổ xảy ra khi chưa đầy một tuần nữa Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm thành phố này.
Phát biểu với báo giới, một quan chức địa phương cho biết, nhiều khả năng thiết bị nổ là một quả lựu đạn cầm tay. Vụ nổ không làm hư hại tòa nhà Đại sứ quán.
Hiện chưa có ai nhận trách nhiệm về vụ nổ này. Lực lượng an ninh Hy Lạp đã tăng cường lực lượng bảo vệ xung quanh khu vực xảy ra nổ./. Đại sứ quán Pháp ở Hy Lạp bị tấn công