Thế giới 24h: Trung Quốc dọa rút khỏi UNCLOS để đối phó với PCA
VOV.VN - Kyodo cho biết, Trung Quốc đã nói với các nhà ngoại giao của ASEAN về khả năng rút khỏi UNCLOS 1982 nếu PCA bác tuyên bố của nước này về "đường 9 đoạn".
1. Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin ngoại giao ngày 20/6 cho biết, Trung Quốc dọa sẽ rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và coi đây là biện pháp đối phó nếu phải chịu một phán quyết bất lợi trong vụ kiện của Philippines về yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đã cải tạo và quân sự hóa nhiều bãi đá ở Biển Đông |
Theo các nguồn tin ngoại giao, điều Trung Quốc quan tâm nhất trong vụ Manila kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan là quyết định về việc áp dụng cái gọi là “đường 9 đoạn” mơ hồ trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương vẽ ra.
Trung Quốc cho rằng, trong kịch bản xấu nhất, PCA sẽ bác tuyên bố về “quyền lợi lịch sử” của Bắc Kinh trên Biển Đông khi cho rằng chúng không dựa theo luật pháp quốc tế đồng thời vô hiệu hóa yêu sách “đường 9 đoạn”của nước này. CSIS: Tòa Trọng tài nhiều khả năng sẽ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc
Nguồn tin của Kyodo cho biết, Trung Quốc đã nói với các nhà ngoại giao của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về khả năng rút khỏi UNCLOS 1982 – bản Công ước vốn được coi như bản Hiến pháp của các đại dương nếu kết quả như trên trở thành hiện thực.
Nhiều chuyên gia tin rằng, phán quyết của PCA sẽ tạo bất lợi cho phía Trung Quốc. Bất chấp việc Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS từ năm 1996 nhưng nước này lại luôn khăng khăng không chấp nhận, không tôn trọng phán quyết của PCA và ngang ngược cho rằng, PCA không có thẩm quyền đối với hồ sơ vụ kiện này.
2. Thủ tướng Campuchia tuyên bố sẽ không ủng hộ phán quyết sắp tới của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay về vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. (Ảnh: AFP). |
Theo hãng tin AFP, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tỏ ra "giận dữ" khi các phương tiện truyền thông quốc tế cho rằng, Campuchia cùng với Myanmar, Lào đứng sau việc ASEAN không thể ra được tuyên bố chung về Biển Đông tại Hội nghị Đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh, Vân Nam hồi tuần trước.
Theo hãng tin AFP, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tỏ ra "giận dữ" khi các phương tiện truyền thông quốc tế cho rằng, Campuchia cùng với Myanmar, Lào đứng sau việc ASEAN không thể ra được tuyên bố chung về Biển Đông tại Hội nghị Đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh, Vân Nam hồi tuần trước.
3. AP ngày 20/6 đưa tin, Indonesia cho biết, nước này sẽ tiếp tục có hành động “kiên quyết” để chống lại hoạt động trái phép của các tàu nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền tài phán của mình sau khi Bắc Kinh chỉ trích lực lượng Hải quân Indonesia vì nổ súng vào các tàu cá Trung Quốc.
Tàu chiến của Hải quân Indonesia khai hỏa. (Ảnh: Hải quân Indonesia). |
Người phát ngôn Hải quân Indonesia Đô đốc Edi Sucipto đã lên tiếng xác nhận việc một tàu Hải quân Indonesia bắn cảnh cáo tàu cá Trung Quốc trong vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna ở Biển Đông và bắt giữ một tàu cá của nước này cùng 7 thành viên thủy thủ đoàn.
Bình luận về vụ việc, ông Sucipto nói: “Chúng tôi sẽ không ngần ngại có hành động quyết đoán với tàu nước ngoài. Dù cho đó là tàu của nước nào, nếu có hành vi sai trái trong lãnh thổ của Indonesia thì đều sẽ bị xử lý”.
Trước đó, ngày 19/6, trong một tuyên bố phản đối, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc rằng, Indonesia đã “lạm dụng lực lượng quân sự”; đồng thời cho biết có một ngư dân nước này bị thương trong vụ việc.
Vụ va chạm giữa Hải quân Indonesia và tàu cá Trung Quốc hôm 17/6 là vụ va chạm thứ 3 được báo cáo kể từ đầu năm 2016 đến nay. Indonesia và Trung Quốc khẩu chiến sau vụ nổ súng ở Biển Đông
4. Hãng thông tấn Yonhap ngày 21/6 dẫn nguồn tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) cho rằng, Triều Tiên dường như đang chuẩn bị để thực hiện vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan từ khu vực bờ biển phía Đông của nước này.
Yonhap dẫn nguồn tin từ một quan chức JCS giấu tên cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái sau khi phát hiện những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang có ý định phóng vật thể nhiều khả năng là tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan”.
Tên lửa Triều Tiên trong một cuộc diễu binh. (Ảnh: Yonhap). |
Để chuẩn bị ứng phó với những diễn biến mới nhất trên bán đảo Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã ra lệnh các lực lượng phòng thủ nước này chuẩn bị đánh chặn bất cứ tên lửa đạn đạo nào từ Triều Tiên hướng về lãnh thổ hoặc vùng biển của Nhật Bản.
Còn theo nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, quân đội Hàn Quốc đang giám sát chặt chẽ các động thái của Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cảnh báo, nếu Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa, Triều Tiên sẽ phải hứng chịu sự cô lập từ cộng đồng quốc tế. Hàn Quốc và các nước đồng minh sẽ có hành động đáp trả. Hàn Quốc theo dõi sát việc triển khai tên lửa Musudan của Triều Tiên
Trong một diễn biến liên quan, chính phủ Trung Quốc cho biết, nước này sẽ sớm trình lên Liên Hợp Quốc các biện pháp cụ thể để trừng phạt Triều Tiên về các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Thông báo được phía Trung Quốc đưa ra hơn 2 tuần sau thời hạn chót để nộp kế hoạch thực thi các lệnh trừng phạt này.
Phái bộ thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc hôm 20/6 cam kết sẽ sớm trình kế hoạch thực thi các lệnh trừng phạt đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên theo Nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng 3. Trung Quốc chuẩn bị trình báo cáo thực thi lệnh trừng phạt Triều Tiên
5. Một Thanh niên Anh phải hầu tòa vì đã giật súng của một cảnh sát để ám sát tỷ phú Mỹ Donald Trump khi ông đi vận động tranh cử Tổng thống.
Daily Mail dẫn lời cảnh sát Mỹ cho biết, Michael Sandford, 20 tuổi, đã bị bắt trong quá trình chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống tại Las Vegas sau khi tìm cách tiếp cận một nhân viên cảnh sát để giả vờ xin được tiếp cận ông Trump để xin ảnh có chữ ký của tỷ phú Mỹ rồi bất thần cướp súng của nhân viên cảnh sát nói trên.
Tên Sandford bị cảnh sát áp giải. Ảnh AP. |
Sau khi bị bắt, Sandford khai rằng, hắn lên kế hoạch ám sát ông Trump trong vòng một năm. Trong những ngày gần đây, hắn liên tục học bắn súng. Tên Sandford cho biết, hắn tin rằng mình sẽ bị bắn chết trong quá trình thực hiện vụ ám sát.
Tòa án bang Nevada ngày 20/6 đã bác đơn xin tại ngoại của tên Sandford do lo ngại tên này có thể gây nguy hại đến cộng đồng cũng như hắn có thể tìm cách chạy trốn ra nước ngoài.
Trong khi đó, luật sư bào chữa cho Sandford cho biết, hắn mắc chứng tự kỷ và không thể nhận thức được hành vi của bản thân trước, trong và sau khi gây án./.