Thế giới 24h: Trung Quốc-Indonesia tranh cãi vụ đối đầu ở Biển Đông

VOV.VN - Trong khi Indonesia khẳng định tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép thì phía Trung Quốc cho rằng “đây là ngư trường truyền thống” của họ.

1. Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti ngày 20/3 cho biết, vụ đụng độ giữa tàu của 2 nước xảy ra ngày 19/3 khi các tàu tuần duyên của Indoneisa phát hiện ra một tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia.

Tàu Hải quân Indonesia đánh đắm một tàu đánh cá vì đã hoạt động trái phép trong vùng biển của nước này. Ảnh AP

Các tàu của Indonesia đã truy đuổi và giữ chiếc tàu cá của Trung Quốc lại. Trong quá trình cẩu chiếc tàu cá này lên tàu của Indonesia, một chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiếp cận và tìm cách đâm va vào tàu của Indonesia.

Sau đó, một chiếc tàu hải cảnh khác của Trung Quốc có kích thước lớn hơn xuất hiện và phía Indonesia quyết định thả chiếc tàu cá của Trung Quốc đi.

Bà Pudjiastuti khẳng định, các tàu của Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản tàu Indonesia cẩu chiếc tàu đánh cá trái phép lên tàu Indonesia để tránh việc chiếc tàu này bị phía Indonesia đánh chìm sau đó.

“Chúng tôi tôn trọng một nước lớn như Trung Quốc và Trung Quốc cũng cần tôn trọng chủ quyền của Indonesia cũng như việc chúng tôi đang chiến đấu chống lại việc đánh bắt cá trái phép”, bà Pudjiastuti nói.

Bà Pudjiastuti cũng kêu gọi Bộ Ngoại giao Indonesia gửi công hàm “phản đối mạnh mẽ” hành động “ngạo mạn” của các tàu Trung Quốc.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 21/3 tuyên bố: “Các tàu đánh cá của Trung Quốc đang tiến hành hoạt động thông thường trên ngư trường truyền thống của Trung Quốc [dù trên thực tế, vùng biển này thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia-ND] thì bị tàu có vũ trang của Indonesia rượt đuổi.

Sau khi chiếc tàu cá này bị tàu Indonesia tấn công và quấy rối, một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã xuất hiện để hỗ trợ tàu này.

Phía Trung Quốc ngay lập tức yêu cầu phía Indonesia phải thả ngay những ngư dân Trung Quốc bị Indonesia bắt và đảm bảo an toàn cho họ”. Trung Quốc còn lớn tiếng đòi Indonesia “phải hành xử phù hợp” trong vụ này.

2. Hôm nay (21/3 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Barack Obama đã tới Cuba, bắt đầu chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới đây sau gần 90 năm.

Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ không chỉ đẩy quan hệ song phương lên một nấc thang mới mà còn góp phần cải thiện quan hệ giữa Mỹ và khu vực Mỹ Latin vốn đang rạn nứt trong nhiều năm qua.

Tổng thống Obama vui vẻ chào người dân Cuba khi đi tham quan thủ đô La Habana. Ảnh Reuters

Bất chấp sự phản đối được dự báo trước của chính giới Mỹ, đặc biệt phe Cộng hòa, chuyến thăm của ông Obama đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới doanh nghiệp Mỹ với sự góp mặt của đại diện một số tập đoàn lớn trong đoàn tháp tùng ông Obama.

Các công ty nông sản Mỹ coi đây là sự kiện bước ngoặt để giành lại thị phần đã mất tại Cuba nhờ lợi thế về chất lượng và giá thành sản phẩm cũng như chi phí vận tải thấp.

Chỉ cách Cuba 150 km đường biển, Mỹ từng là nhà cung cấp số 1 cho quốc đảo này về các loại nông sản như gạo, bột mỳ và ngô. Hiện nay, Cuba phải nhập khẩu tới 80% lương thực với trị giá khoảng 2 tỷ USD hàng năm.

Theo ước tính, xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Cuba có thể đạt 1,2 tỷ USD nếu các hạn chế về tài chính và thương mại mà Quốc hội Mỹ đang áp đặt được dỡ bỏ.

Các doanh nghiệp du lịch Mỹ cũng rất trông chờ vào đòn bẩy từ chuyến thăm này, khi trước đó hai nước đã nhất trí nối lại các chuyến bay thương mại, trong khi các doanh nghiệp viễn thông cũng tìm cách đi trước một bước để chiếm lĩnh thị trường internet tại đây trước sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài.

3. Nhà chức trách Nga cho biết, có thể sẽ phải mất 1 tháng để giải mã hộp đen chiếc máy bay của hãng hàng không Flydubai gặp nạn sáng 19/3.

Bộ Giao thông vận tải Nga cho biết, 2 hộp đen chiếc máy bay Boeing 737-800 mang số hiệu FZ981 của hãng Hàng không Flydubai đã được đưa về Moscow để phân tích. Tuy nhiên, 2 hộp đen đã bị hư hại nặng và tiến trình giải mã thông tin có thể mất một tháng.

Hộp đen máy bay Flydubai hư hỏng nặng nề. Ảnh Reuters

Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nga Maxim Sokolov, 850 nhân viên thuộc Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cùng trang thiết bị kỹ thuật đã được huy động cho hoạt động tìm kiếm cứu hộ tại hiện trường.

Theo Luật Hàng không quốc tế, cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Flydubai sẽ do Cơ quan An toàn hàng không Nga dẫn đầu, với sự tham gia của các chuyên gia Mỹ-nơi chiếc Boeing 737-800 sản xuất và chuyên gia của UAE-nơi đặt trụ sở của Flydubai. Hiện cuộc điều tra hình sự đang được tiến hành nhằm xác định nguyên nhân vụ tai nạn.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nga Sokolov cũng cho biết, một phái đoàn 14 người là đại diện của Flydubai và giới chức UAE đã tới Moscow và Rostov-on-Don để làm việc với phía Nga.

4. Bộ Ngoại giao Bỉ ngày 20/3 cho biết, tên Salah Abdeslam từng lên kế hoạch khủng bố khác với sự trợ giúp của một mạng lưới chiến binh.

Theo Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders, cảnh sát điều tra nước này đã tìm thấy rất nhiều vũ khí hạng nặng, tài liệu và phát hiện một mạng lưới những liên kết mới xung quanh tên Abdeslam trong suốt thời gian tên này lẩn trốn ở Bỉ. Điều này chứng tỏ rằng chúng đã lên kế hoạch nhằm tái hiện một cuộc khủng bố tương tự từ Brussels.

Tên Abdeslam (áo trắng) bị cảnh sát Bỉ bắt giữ. Ảnh AP

Ông Reynders cho biết cảnh sát Pháp và Bỉ cũng vừa bắt giữ thêm khoảng 30 tòng phạm khác, có dính líu đến các cuộc đánh bom và xả súng ở thủ đô Paris hồi tháng 11/2015 ở cửa hàng, phòng hòa nhạc và bên ngoài một sân vận động.

Sau 4 tháng truy lùng gắt gao và cuộc bố ráp kịch tính ở ngoại ô Brussels (Bỉ) kẻ bị truy nã gắt gao nhất châu Âu này đã bị sa lưới. Hiện tên này đang bị giam giữ nghiêm ngặt tại một nhà tù ở thành phố Bruges và có thể sẽ xuất hiện lần đầu tiên trước một tòa án Bỉ vào ngày 23/4. 

Qua thẩm vấn, tên Abdeslam, 26 tuổi, khai rằng đã lập kế hoạch đánh bom liều chết vào vận động Stade de France để gây thương vong lớn chứ không phải ở bên ngoài sân vân động này. 

5.  Đại giáo chủ Iran Khamenei ngày 20/3 cáo buộc Mỹ vẫn giữ thái độ thù địch với Iran khi duy trì những chính sách hạn chế lợi ích hợp pháp của nước này.

Phát biểu tại thành phố thiêng của người Shiite, Mashad nhân dịp Năm mới của người Iran, ông Khamenei khẳng định, chính sự lo ngại về các quy định của Mỹ đã ngăn cản các công ty lớn, đặc biệt là các tập đoàn tài chính toàn cầu, đến với Iran.

Đại Giáo chủ Khamenei lên án Mỹ có những hành động thù địch nhằm vào Iran. Ảnh Reuters

Thái độ không nhượng bộ của ông Khamenei là thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Hassan Rowhani, người được coi là “kiến trúc sư” cho thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 hồi năm 2015.

Theo thỏa thuận này, nhiều lệnh trừng phạt đối với Iran đã được dỡ bỏ vào tháng 1/2016. Kể từ đó đã có nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Tehran, kí hết nhiều hợp đồng trị giá hàng tỉ USD.

Nhưng nhiều ngân hàng châu Âu và những công ty khác vẫn chọn cách đứng ngoài cuộc, chủ yếu là do vẫn còn những lệnh trừng phạt khác của Mỹ nhằm vào Iran. Theo ông Khamenei, điều đó cho thấy, Iran nên tự chủ về kinh tế bởi Mỹ và những đồng minh đều không phải là những đối tác đáng tin cậy.

Ông Khamenei nhấn mạnh: “Các giao dịch ngân hàng giữa Iran với các nước phương Tây và các quốc gia chịu sự ảnh hưởng của Mỹ gặp nhiều khó khăn bởi họ e ngại Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ đã gây sức ép khiến các tập đoàn, các công ty và những ngân hàng lớn không dám ký kết với Iran”.

Bản thân Ngân hàng Quốc gia Iran cũng nói rằng, vẫn tồn tại nhiều chế tài của Mỹ khiến cho những công ty của châu Âu e ngại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung Quốc phản ứng vụ tàu đánh cá trái phép bị Argentina đánh chìm
Trung Quốc phản ứng vụ tàu đánh cá trái phép bị Argentina đánh chìm

VOV.VN - Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/3 lên tiếng phản đối Argentina đánh chìm tàu cá của nước này đánh cá trái phép trong vùng biển của Argentina.

Trung Quốc phản ứng vụ tàu đánh cá trái phép bị Argentina đánh chìm

Trung Quốc phản ứng vụ tàu đánh cá trái phép bị Argentina đánh chìm

VOV.VN - Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/3 lên tiếng phản đối Argentina đánh chìm tàu cá của nước này đánh cá trái phép trong vùng biển của Argentina.

Cảnh sát biển Argentina đánh chìm tàu Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp
Cảnh sát biển Argentina đánh chìm tàu Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp

Ngày 15/3, cảnh sát biển Argentina cho biết đã đánh chìm một tàu Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp tại vùng biển Nam Đại Tây Dương.

Cảnh sát biển Argentina đánh chìm tàu Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp

Cảnh sát biển Argentina đánh chìm tàu Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp

Ngày 15/3, cảnh sát biển Argentina cho biết đã đánh chìm một tàu Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp tại vùng biển Nam Đại Tây Dương.

Indonesia triệu Đại sứ Trung Quốc sau vụ tàu đụng độ ở Biển Đông
Indonesia triệu Đại sứ Trung Quốc sau vụ tàu đụng độ ở Biển Đông

VOV.VN - Indonesia sẽ triệu Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta sau vụ đụng độ giữa tàu của hai nước ở Biển Đông.

Indonesia triệu Đại sứ Trung Quốc sau vụ tàu đụng độ ở Biển Đông

Indonesia triệu Đại sứ Trung Quốc sau vụ tàu đụng độ ở Biển Đông

VOV.VN - Indonesia sẽ triệu Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta sau vụ đụng độ giữa tàu của hai nước ở Biển Đông.

Trung Quốc phản ứng vụ Indonesia triệu Đại sứ vì đụng độ ở Biển Đông
Trung Quốc phản ứng vụ Indonesia triệu Đại sứ vì đụng độ ở Biển Đông

VOV.VN - Phía Trung Quốc cho rằng tàu cá nước này “đang hoạt động tại ngư trường truyền thống của Trung Quốc” khi bị tàu Indonesia bắt.

Trung Quốc phản ứng vụ Indonesia triệu Đại sứ vì đụng độ ở Biển Đông

Trung Quốc phản ứng vụ Indonesia triệu Đại sứ vì đụng độ ở Biển Đông

VOV.VN - Phía Trung Quốc cho rằng tàu cá nước này “đang hoạt động tại ngư trường truyền thống của Trung Quốc” khi bị tàu Indonesia bắt.