Thế giới 24h: Vừa nồng ấm lại với Nga, Thổ quay ra lạnh nhạt với NATO
VOV.VN - Phương Tây có khả năng sẽ "mất" Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ cố tình đẩy nước này đến gần Nga, Trung Quốc hay các nước Hồi giáo.
1. Truyên bố trên được Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu đưa ra trong cuộc phỏng vấn với hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu ngày 10/8, theo đó, ông Cavusoglu nhấn mạnh: “Nếu phương Tây để mất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ do lỗi của họ, chứ không phải là do quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Trung Quốc hay các nước Hồi giáo khác tốt lên.
Liên minh châu Âu đã mắc phải sai lầm tại Ukraine. Nhưng thật không may, Liên minh châu Âu hiện nay vẫn mắc phải một số sai lầm nghiêm trọng. Họ đã thất bại trong cuộc thử nghiệm sau âm mưu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và người đồng cấp Nga Putin. Ảnh Reuters
Bình luận của ông Cavusoglu phản ánh một sự thất vọng sâu sắc của Thổ Nhĩ Kỳ vì cho rằng châu Âu và Mỹ đã không hỗ trợ đủ cho Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ đảo chính bất thành ngày 15/7, khi một nhóm binh sĩ và chỉ huy tiến hành lật đổ chính phủ nhưng nhanh chóng thất bại.
Tuy nhiên, NATO đã phủ nhận thông tin này và tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đối tác thân thiết của Liên minh. Người phát ngôn của NATO, Oana Lungescu mô tả Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh có giá trị, góp phần đáng kể vào nỗ lực chung của NATO.
Theo bà Lungescu, NATO ghi nhận và hy vọng vào sự đóng góp của Thổ Nhĩ Kỳ cho liên minh và ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ có thể tin tưởng vào tinh thần đoàn kết và hỗ trợ từ phía NATO. Người phát ngôn NATO nhấn mạnh rằng, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gọi điện ngay cho Tổng thống Erdogan sau đêm binh biến đồng thời lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính này.
Trên thực tế, kể từ khi xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt với Thổ Nhĩ Kỳ, NATO đã liên tục đưa ra những khẳng định về mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt khi Tổng thống Erdogan lên tiếng cáo buộc phương Tây, trong đó có Liên minh châu Âu đứng sau vụ đảo chính.
Thổ Nhĩ Kỳ cứng rắn với Mỹ trong việc dẫn độ Giáo sỹ Gulen
2. Cơ quan an ninh Nga ngày 10/8 cho biết đã ngăn chặn một loạt các vụ tấn công khủng bố ở Crimea do tình báo quân sự Ukraine lên kế hoạch.
Thông báo của Cơ quan an ninh Liên bang Nga cho biết, một sỹ quan đã thiệt mạng đêm mùng 6 rạng sáng ngày 7/8, trong một vụ đụng độ với những kẻ gây rối.
Quang cảnh bán đảo Crimea. Ảnh Sputnik |
Trong ngày 8/8, một quân nhân nữa cũng bị thương khi lực lượng Nga ngăn chặn 2 đợt tấn công của đơn vị đặc biệt do Bộ Quốc phòng Ukraine cử sang xâm nhập Crimea.
Cơ quan an ninh Liên bang Nga cho biết, đội đặc nhiệm của Ukraine được yểm trợ bằng đạn pháo từ bên kia biên giới. Cơ quan này khẳng định, mục đích của các vụ tấn công là nhằm khiến tình hình chính trị, xã hội tại Crimea bất ổn trong giai đoạn chuẩn bị bầu cử địa phương và bầu cử liên bang.
Thông báo của phía Nga cũng cho biết, khoảng 20 thiết bị nổ tự chế, tương đương với hơn 40kg thuốc nổ cùng nhiều loại vũ khí đạn dược khác như mìn, lựu đạn… mà lực lượng đặc biệt của Ukraine sử dụng đã được tìm thấy ở hiện trường các vụ đụng độ.
Cơ quan chức năng Nga đã bắt giữ một sỹ quan tình báo quân sự Ukraine và một nhóm người dân bị nghi là điệp viên của Ukraine đang lên kế hoạch tấn công khủng bố ở Crimea.
Tổng thống Nga Putin: Ukraine lựa chọn khủng bố thay vì hòa bình
3. Nga sẽ thực hiện lệnh ngừng bắn kéo dài 3 giờ/ngày tại thành phố Aleppo của Syria, bắt đầu từ ngày 11/8 để tạo thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo.
Thông báo trên được Bộ Quốc phòng Nga đưa ra ngày 10/8 và cho biết, lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực từ 10h sáng đến 13h chiều (giờ địa phương). Tất cả các hành động quân sự, không kích, đạn pháo phải dừng lại vào thời điểm đó. Nga và Chính phủ Syria sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức liên quan chuyển giao an toàn hàng viện trợ nhân đạo đến người dân Aleppo.
Binh sĩ Syria tuần tra xung quanh thành phố Aleppo. Ảnh AP |
Người đứng đầu cơ quan viện trợ của Liên Hợp Quốc Stephen O'Brien cùng ngày tuyên bố, sẵn sàng xem xét đề xuất ngừng bắn của Nga kéo dài 3 giờ một ngày tại Aleppo.
Tuy nhiên ông O'Briecho rằng, lệnh ngừng bắn 48 giờ là cần thiết vào thời điểm hiện nay để đáp ứng tất cả các yêu cầu nhân đạo tại Aleppo: “Chúng tôi sẽ thảo luận bất cứ đề xuất nào đang được thực hiện giúp thúc đẩy tiếp cận hàng nhân đạo đến với người dân.
Tuy nhiên tôi cũng xin làm rõ rằng, ngoài việc Liên Hợp Quốc và các đối tác nhân đạo không thuộc Liên Hợp Quốc đang cố gắng giúp mang hàng hóa nhân đạo và y tế cho những người dân đang cần hỗ trợ, chúng tôi hoàn toàn độc lập, trung lập và khách quan trong các hoạt động của mình”.
4. Một cuộc thăm dò gần đây do CNN/ORC thực hiện cho thấy có tới 20% cử tri Cộng hòa muốn tỷ phú Trump dừng cuộc đua vào Nhà Trắng.
Theo Sputnik, đây là kết quả hết sức bất ngờ bởi trong cuộc thăm dò cũng do CNN/ORC thực hiện chỉ 1 tháng trước đó, ông Trump còn dẫn trước đối thủ của mình là bà Clinton tới 3 điểm phần trăm.
Tỷ phú Mỹ Donald Trump. Ảnh AP |
Tuy nhiên, điều này được lý giải là do tại thời điểm đó, Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa vừa kết thúc và các cử tri của đảng này đều kỳ vọng vào một sự thống nhất trong nội bộ đảng sau khi ông Trump chính thức được đề cử làm ứng viên Tổng thống.
Tuy nhiên, một số vụ bê bối do ông Trump gây ra trong tuần qua đã khiến nội bộ đảng Cộng hòa chia rẽ sâu sắc về việc có tiếp tục ủng hộ ông Trump chạy đua vào Nhà Trắng hay không.
Một cuộc thăm dò tương tự do Reuters/Ipsos công bố ngày 10/8 cũng cho kết quả tương tự khi 20% cử tri Cộng hòa cho rằng, ông Trump nên “dừng tranh cử”, trong khi 10% cho biết, họ vẫn chưa đưa ra quyết định của mình.
Tính chung lại, có tới 44% cử tri tham gia thăm dò cho rằng, ứng viên đảng Cộng hòa nên rút lui, tăng tới 9% so với cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos tiến hành vài ngày trước đó.
Donald Trump gọi Tổng thống Obama là “người sáng lập ra IS”
5. Ngày 11/8, tân Bộ trưởng Bộ Tái thiết các khu vực bị thảm họa của Nhật Bản Masahiro Imamura đã tới thăm đền thờ Yasukuni.
Chuyến thăm của ông Imamura diễn ra cũng chỉ vài ngày trước lễ kỷ niệm 71 năm Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 (15/8/1946).
Tân Bộ trưởng Bộ Tái thiết các khu vực bị thảm họa của Nhật Bản Masahiro Imamura. Ảnh Kyodo |
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Bộ Tái thiết Nhật Bản cho biết mục đích chuyến viếng thăm đền lần này của ông nhằm cầu nguyện cho sự hòa bình và thịnh vượng của đất nước Nhật Bản. Ngoài ra, ông thường tới thăm đền thờ Yasukuni vào các dịp lễ hội mùa Xuân và mùa Thu hàng năm.
Được biết, tân Bộ trưởng Bộ Tái thiết Nhật Bản được bổ nhiệm làm thành viên Nội các mới của Thủ tướng Shinzo Abe sau cuộc cải tổ nội các diễn ra vào ngày 03/8 vừa qua. Trước khi được bổ nhiệm vào Nội các mới, ông Imamura là Thứ trưởng Bộ Nông-Lâm-Thủy sản Nhật Bản.
Chuyến thăm đền Yasukuni của ông Imamura chắc chắn sẽ vấp phải sự phản ứng của Trung Quốc và Hàn Quốc, bởi ngôi đền này vốn bị hai nước láng giềng coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.
Nhật Bản-Philippines hợp tác kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Luật Biển