Thế giới đặc biệt lo ngại việc Iran nâng mức làm giàu urani lên 60%
VOV.VN - Anh, Pháp và Đức đã ra 1 thông báo chung, khẳng định động thái mới của Iran là “đặc biệt quan tâm và lo ngại” giữa lúc các cuộc đàm phán để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran vừa được nối lại tại thủ đô Vienna.
Ngày 14/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani lên tiếng giải thích quyết định làm giàu urani tới độ tinh khiết 60% là nhằm đáp trả “chủ nghĩa khủng bố hạt nhân” của Israel, sau khi cơ sở hạt nhân ngầm dưới lòng đất Natanz của nước này bị tấn công. Thế giới đã bày tỏ lo ngại về động thái mới của Iran.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Iran nhấn mạnh: “Bạn đã thấy thông báo của chúng tôi, rằng Iran sẽ kích hoạt máy ly tâm tiên tiến IR-6 tại Natanz hay việc chúng tôi sẽ tăng khả năng làm giàu Urani lên mức 60%. Đây là một phản ứng đối với một hành động xấu xa. Kẻ thù sẽ không thành công trong việc chống lại người dân Iran và không thể phạm sai lầm tại Natanz. Chúng tôi sẽ đáp trả họ bằng IR-6 và mức làm giàu Urani lên tới 60%”.
Ngay lập tức, Anh, Pháp và Đức đã ra 1 thông báo chung, khẳng định động thái mới của Iran là “đặc biệt lo ngại” giữa lúc các cuộc đàm phán để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran vừa được nối lại tại thủ đô Vienna (Áo), trong đó có sự tham gia gián tiếp của Mỹ.
Các nước châu Âu cho rằng, đây là một diễn biến nghiêm trọng vì việc sản xuất urani được làm giàu ở mức độ cao là một bước quan trọng trong sản xuất vũ khí hạt nhân. Điều này cũng đi ngược với tinh thần xây dựng và thiện chí của những cuộc đàm phán tại Áo, nhằm tìm ra 1 giải pháp ngoại giao nhanh chóng.
Anh, Pháp và Đức cho rằng động thái mới đưa Iran gần hơn tới ngưỡng làm giàu urani ở mức 90%, phục vụ các mục đích quân sự và rút ngắn “thời gian đột phá” để chế tạo bom nguyên tử. Đây là những cáo buộc mà Iran luôn phủ nhận.
Cùng ngày, Saudi Arabia cũng bày tỏ quân tâm, lo ngại về động thái mới của Iran, cho rằng động thái này không thể được coi là một phần của chương trình hạt nhân hòa bình. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia kêu gọi Iran tránh làm leo thang căng thẳng và tham gia một cách nghiêm túc các cuộc đàm phán với các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến tới một thỏa thuận với Iran bao gồm các điều kiện chặt chẽ hơn với thời hạn dài hơn./.