Thế giới đánh giá cao Việt Nam qua việc tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Triều
VOV.VN-Thế giới đánh giá cao vai trò của Việt Nam qua việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, sự kiện được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều kết quả thực chất
Dự kiến, 18h30 phút tối 27/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ có cuộc gặp riêng và một bữa tối thân mật. Sự kiện này đang được cả thế giới quan tâm đồng thời hy vọng hai bên sẽ đạt được nhiều kết quả thực chất trong cuộc gặp lần này.
Thế giới đánh giá cao vai trò của Việt Nam qua việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. |
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ ngày 26/2, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ hoan nghênh cuộc gặp Thượng đỉnh lần hai giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tổ chức tại Hà Nội. Tuy nhiên, ông Guterres cho biết, Liên Hợp Quốc sẽ không dự đoán về kết quả của hội nghị Thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước song sẽ phản ứng dựa trên tuyên bố mà hội nghị đưa ra.
Cùng ngày, Nga hoan nghênh và ủng hộ việc giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa, giảm căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov phát biểu trước báo giới rằng Nga ủng hộ cuộc gặp gỡ của Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội nếu cuộc gặp này thúc đẩy giải quyết vấn đề phi hạt nhân, giúp giảm căng thẳng và đem đến sự an toàn và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Chính phủ Trung Quốc hôm qua bày tỏ hi vọng Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un sẽ thành công. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói:
“Hội nghị Thượng đỉnh thứ hai giữa Triều Tiên và Mỹ được tổ chức tại Hà Nội, không chỉ phía Trung Quốc mà cộng đồng quốc tế hy vọng, Triều Tiên và Mỹ có thể đạt được tiến bộ cụ thể hơn trong phi hạt nhân hóa, đạt hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên trên cơ sở mà hai bên đã đạt được. "
Theo người phát ngôn Lục Khảng, hai điểm chính trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề Triều Tiên: thứ nhất là đạt được phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và thứ 2 là đảm bảo hòa bình, cũng như ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á. Vì thế, Trung Quốc cho rằng, bước đi cần thiết để đạt được 2 mục tiêu này là Mỹ và Triều Tiên cần có các biện pháp cụ thể, xem xét đầy đủ và đáp ứng các mối quan tâm hợp lý của nhau trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau để đạt được phi hạt nhân hóa, hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết, đã thấy những thông tin liên quan rằng chính phủ và nhân dân Việt Nam chuẩn bị kỹ lưỡng và hy vọng hội nghị Thượng đỉnh sẽ đạt được kết quả tương ứng với sự chuẩn bị đó.
Trong khi đó, theo ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Việt Nam đang cố gắng cho thế giới thấy một hình ảnh tốt của công dân toàn cầu và khu vực thông qua Hội nghị Thượng đỉnh này:
"Hà Nội là thành phố hòa bình mà UNESCO trong một tuyên bố đã công nhận cách đây 20 năm. Đó là điều rất đáng tự hào. Tôi nghĩ năm 2020 khi Việt Nam tiếp quản chức Chủ tịch ASEAN và khi nước này đang tranh cử vị trí không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020-2021 thì những gì Việt Nam đang làm hiện nay, trong đó có việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều là hoàn toàn phù hợp với những khát vọng của nước này. Đó là cách để thể hiện tốt hình ảnh một công dân khu vực và thế giới, cũng như để giới thiệu cho thế giới thấy, họ đang làm tất cả để thay đổi hình ảnh đất nước và xã hội”.
Ông cũng cho biết, Liên Hợp Quốc sẽ hợp tác với Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình thế giới và muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế với các nước đang phát triển khác.
Có thể thấy, mặc dù vẫn còn nhiều hoài nghi cũng như những dự đoán khác nhau về khả năng kết quả của cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, nhưng điều chắc chắc rằng, cũng giống như cuộc gặp đầu tiên tại Singapore, cuộc gặp lần này tại Hà Nội là cơ hội tốt để hai bên tiếp tục ngồi vào đàm phán, xây dựng lòng tin và tạo một mối quan hệ, cũng như hướng tới một mục tiêu chung, vì hòa bình không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà cho cả khu vực và trên thế giới./.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2: Trung Quốc, Nhật Bản muốn gì?
Truyền thông Mỹ dõi theo sát sao Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội