Thế giới “đau đầu” với chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19
VOV.VN - Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, với nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến việc xuất hiện các chủng mới của virus, sự chậm chễ trong việc phân phối vaccine, cũng như các câu hỏi về tính hiệu quả của vaccine trong các chiến dịch tiêm chủng ở các nước.
Hôm qua (5/2), Nam Phi đã tạm dừng sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca sau khi các dữ liệu nghiên cứu ban đầu cho thấy vaccine chỉ có hiệu quả “tối thiểu” đối với các trường hợp nhẹ và trung bình mắc biến thể mới của virus đang phổ biến ở quốc gia này.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết, chính phủ sẽ chờ đợi khuyến cáo của các nhà khoa học về các bước tiếp theo, sau khi nhận kết quả thử nghiệm đáng thất vọng do Đại học Witwatersrand thực hiện: “Đây là vấn đề tạm thời chúng tôi gặp phải với vaccine của AstraZeneca. Chúng ta sẽ nghiên cứu các vấn đề gặp phải và đưa ra các bước đi tiếp theo”.
Trước đó, chính phủ Nam Phi có kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine của AstraZeneca cho nhân viên y tế, sau khi tiếp nhận 1 triệu liều do Viện huyết thanh Ấn Độ sản xuất vào ngày hôm nay (8/2). Tuy nhiên, với quyết định mới nhất, Nam Phi sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình chủng ngừa với vaccine do Johnson & Johnson và Pfizer phát triển thời gian tới, trong khi các chuyên gia sẽ cân nhắc cách thức phân bổ vaccine của AstraZeneca.
Trước những báo cáo “không mấy khả quan”, chuyên gia vaccine Sarah Gilber của Đại học Oxford – đối tác cũng phát triển vaccine Covid-19 cùng với AstraZeneca cho biết, họ có thể có phiên bản vaccine Covid-19 mới để ngừa các biến thể mới. Hiện vaccine này đang trong giai đoạn nghiên cứu và có thể có vào mùa thu tới. Được biết, các lô hàng vaccine của AstraZeneca đầu tiên đã được gửi tới 1 số nước như Pháp, Tây Ban Nha, Brazil, Afghanistan,…
Một thông tin đáng chú ý khác liên quan đến những nghi ngại về tính hiệu quả của vaccine là hôm qua 14 cụ già tại viện dưỡng lão ở Đức nhiễm biến thể mới tại Anh sau khi đã được tiêm phòng mũi thứ 2 của vaccine của hãng Pfizer/BioNTech vào ngày 25/1. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ thời điểm các cụ bị nhiễm bệnh và chỉ được phát hiện trong một đợt xét nghiệm nhanh hằng ngày hôm 2/2. Hiện toàn bộ cơ sở, nhân viên và người nhà những cư dân trong cơ sở này đã được cách ly theo dõi.
Dẫu vậy, một nghiên cứu từ Israel hôm qua cho biết, vaccine của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả mục tiêu 95% một tuần sau mũi tiêm chủng thứ hai. Dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy cơ thể đã có 50% khả năng bảo vệ chống Covid-19 trong 10 ngày sau mũi tiêm đầu tiên. Những kết quả này cũng giống như thông báo của nhà sản xuất trong nghiên cứu giai đoạn 3.
Cũng liên quan tới vaccine, trong ngày hôm qua, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định Sputnik V là vaccine Covid-19 an toàn nhất thế giới và riêng ở Venezuela, vaccine này có hiệu quả tuyệt đối 100%.
Hôm qua, Hungaria đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên phê duyệt vaccine Sputnik V để sử dụng ở quốc gia châu Âu này, xác định rằng vaccine Sputnik V đã đáp ứng các thông số kỹ thuật của nhà sản xuất về chất lượng sản phẩm và phù hợp để sử dụng cho người.
Trước đó, ngày 3/2, Tạp chí y khoa The Lancet đã công bố một phân tích tạm thời qua thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine Sputnik V, cho thấy vaccine này đạt hiệu quả 91,6% chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Sputnik V đã có mặt tại 21 quốc gia trên thế giới./.