Thế giới hưởng ứng Giờ Trái đất
Hơn 1.000 toà nhà trên khắp thế giới sẽ tắt đèn từ 20h30 đến 21h30 hôm nay (27/03) tùy theo từng múi giờ để hưởng ứng "Giờ Trái Đất". Đây là một hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Đúng 20h30 (giờ địa phương, tức 6h 45 GMT) ngày 27/3, các máy phát điện diezel trên quần đảo Chatham của New Zealand đã ngừng hoạt động, chính thức đưa khu vực này trở thành địa điểm đầu tiên của 125 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng sáng kiến Giờ Trái Đất 2010 do Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) phát động.
Khắp nơi trên quần đảo Chatham ở Bắc Băng Dương, ngoại trừ 12 ngọn đèn đường được bật sáng vì lý do an ninh, đã chìm trong bóng tối, mở màn cho một sự kiện được coi là hành động lớn nhất của thế giới từ trước tới nay nhằm cảnh báo về tình trạng ấm lên của Trái Đất do sự biến đổi khí hậu gây ra.
Tiếp theo quần đảo Chatham, 50 thành phố trên khắp lãnh thổ New Zealand, trong đó thủ đô Wellington, cũng đã hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất của WWF, phản ánh quyết tâm của "Xứ sở Kiwi" là một phần của cuộc hành trình toàn cầu để tìm một giải pháp cho sự biến đổi khí hậu.
Cùng với New Zealand, nhiều nơi tại các đảo quốc Thái Bình Dương và Australia cũng đã tham gia tắt đèn trong một giờ từ 20h30 (giờ địa phương) để thể hiện sự ủng hộ hành động toàn cầu vì biến đổi khí hậu.
Trên khắp nước Australia, cùng với sự hưởng ứng của các hộ gia đình và doanh nghiệp, đèn thắp sáng tại những địa điểm nổi tiếng như Nhà hát Opera, Cầu Cảng (Harbour Bridge) ở thành phố Sydney, Trụ sở Tòa án Tối cao và Nhà Quốc hội ở Thủ đô Canberra, Trạm nghiên cứu khoa học Casey ở Nam Cực đã được tắt nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích giảm bớt việc xả khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào bầu khí quyển.
Hưởng ứng Giờ Trái đất”, tối nay, chính quyền thành phố Moscow, LB Nga, thực hiện tắt điện tại 21 công trình kiến trúc nghệ thuật. Trong danh sách do Cơ quan quản lý nhiên liệu và năng lượng thông báo có năm cây cầu và ba toà nhà cao tầng.
Đó là cầu dành cho người đi bộ gần quảng trường Ga Kiev, cầu Borodino, Novoarbatski, cầu qua sông Moscow khu vực sân vận động Lujonhi-i và cầu metro Smolenski. Đèn chiếu sáng khu vực Trường đại học Tổng hợp Moscow trên đồi Varabiovui, 2 tòa nhà lớn tại quảng trường Kudrinskaia và phố bờ sông Kochennhicheskaia.
Trong khoảng thời gian từ 20h30 đến 21h30, tại nhiều quảng trường, cơ sở thể thao, công sở... ở thủ đô Moscow cũng thực hiện tắt điện. Theo truyền thống, trung tâm của hoạt động này là Tòa thị chính trên phố Novui Acbat cũng tắt đèn trong một giờ. Đây là lần thứ 2 thủ đô Moscow của Nga tham gia hoạt động mang tên “Giờ Trái đất”. Tại Saint Petersburg các cây cầu và cung điện cũng tắt đèn. Nhiều thành phố khác của Nga cũng tham gia hoạt động này.
Sáng kiến Giờ Trái Đất được bắt đầu vào năm 2007 ở Sydney của Australia, khi thành phố này tắt đèn nhằm nêu bật những vấn đề khí hậu của thế giới.
Sau đó, Giờ Trái Đất đã trở thành một sự kiện thường niên diễn ra vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba mỗi năm, thu hút sự ủng hộ của nhiều tổ chức phi chính phủ và hàng trăm triệu người trên khắp thế giới.
Với khẩu hiệu Giờ Trái Đất 2010 "Hành động nhỏ cho thay đổi lớn," WWF mong muốn kêu gọi mỗi người dân hãy cùng nhau hành động để ứng phó với mối hiểm họa do biến đổi khí hậu gây ra.
Hơn 4.000 thành phố và thị trấn tại 125 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 1.387 địa điểm nổi tiếng, đã khẳng định tham gia chiến dịch Giờ Trái Đất 2010.
Chiến dịch Giờ Trái Đất 2010 bắt đầu tại quần đảo Chatham của New Zealand và sẽ kết thúc tại thành phố Apia của Samoa.
Liên hợp quốc cho biết năm nay, 6.000 thành phố thuộc khoảng 125 nước trên thế giới tham gia "Giờ Trái Đất", tăng gần gấp rưỡi so với con số 4.088 thành phố thuộc 88 nước tham gia năm 2009. Tổng thư ký Ban Ki Moon kêu gọi tất cả các công dân trên Trái Đất hưởng ứng hoạt động này.
Theo ông Ban Ki Moon, khi đèn tắt trên khắp các lục địa, sự mong manh và tầm quan trọng của di sản thiên nhiên sẽ hiện rõ và con người cần cam kết bảo vệ chúng cho một tương lai bền vững của toàn nhân loại. Ông nhấn mạnh giải pháp chống biến đổi khí hậu trong tầm tay của nhân loại và mỗi cá nhân, cộng đồng, các nhà kinh doanh và các chính phủ cần sẵn sàng thực hiện giải pháp này.
Không chỉ các trụ sở chính của Liên hợp quốc sẽ tắt điện vào giờ này, các biểu tượng toàn cầu từ Tháp Eiffel (Paris, Pháp), Nhà hát Opera ở Sidney, Australia, Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc cho tới kinh đô ánh sáng Las Vegas, Mỹ cũng sẽ "chìm vào bóng tối" trong vòng một giờ để hưởng ứng các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.
Dự kiến, tòa nhà cao nhất thế giới, Burj Khalifa (828 mét) tại Dubai sẽ chìm trong bóng tối vào Giờ Trái đất 2010. Hàng chục nghìn tòa nhà và địa danh nổi tiếng khác ở Dubai cũng tắt đèn để thể hiện tình yêu trái đất của mình. Hàng trăm nhà thờ Hồi giáo ở UAE cũng tắt đèn trong 1 tiếng tối 27/3 để thể hiện cam kết chung tay cùng thế giới bảo vệ trái đất. Tại Malaysia, mọi khách sạn và trung tâm mua sắm đều cam kết để đèn ở chế độ sáng yếu hoặc tắt hẳn để hưởng ứng Giờ trái đất.
Tại Trung Quốc, tất cả 20 thành phố đã đăng ký tham gia “Giờ Trái đất”. Ở thủ đô Bắc Kinh, Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn quốc gia tham gia chiến dịch ngay từ năm đầu tiên.
Giờ Trái Đất là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên kêu gọi các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 20h30 đến 21h30 (giờ địa phương) ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba hàng năm.
Bắt đầu từ năm 2007 ở Sidney, số người tham gia chỉ có 2 triệu người. Nhờ các phương tiện truyền thông, số người năm 2008 là 50 triệu và năm ngoái là hơn 1 tỷ người./.