Thế giới lo ngại khi Mỹ trang bị vũ khí cho phiến quân Syria
(VOV) - Cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại, động thái này của Mỹ sẽ khiến cuộc khủng hoảng tại Syria sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Những nguồn tin mới đây cho biết, Mỹ đang chuẩn bị cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy Syria thông qua các căn cứ bí mật ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan - vốn đã được mở rộng nhằm xây dựng tuyến đường cung cấp nguồn viện trợ phi sát thương đến quốc gia Trung Đông này hồi năm ngoái.
Phiến quân Syria khoe súng (ảnh: Reuters) |
Ngày 15/6, phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Italy, bà Emma Bonino tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi các bên kiềm chế đưa ra các tuyên bố hay hành động khiến cho phe đối lập ở Syria tiếp tục cuộc chiến. Theo ông Lavrov, điều quan trọng là không cho phép bất cứ tuyên bố, bước đi nào, có thể đưa ra tín hiệu sai lầm cho các bên ở Syria, hướng họ không phải tới đối thoại mà là tiếp tục sử dụng vũ lực.
Ngoại trưởng Nga còn khẳng định bất cứ nỗ lực nào nhằm thực thi một vùng cấm bay ở Syria bằng việc sử dụng máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa Patriot từ Jordan sẽ vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Lavrov nói: "Không cần phải là chuyên gia, các bạn cũng hiểu rằng, điều này sẽ vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng tôi hy vọng rằng, phía Mỹ sẽ cân nhắc hành động của mình cho phù hợp với sáng kiến Nga-Mỹ để chuẩn bị cho hội nghị hòa bình Syria”.
Đồng quan điểm với phía Moscow, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt cho rằng, việc Mỹ cam kết hỗ trợ quân sự cho lực lượng nổi dậy Syria có nguy cơ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang tại quốc gia này và sẽ cản trở những nỗ lực và điều kiện cho một tiến trình chính trị.
Trước đó, ngày 14/6, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh, một giải pháp quân sự không phải là câu trả lời cho cuộc xung đột ở Syria, ngay cả khi Chính phủ, lực lượng đối lập ở nước này cũng như các bên ủng hộ hai phe cho rằng đó có thể là biện pháp cần thiết. Ông cũng khẳng định, việc cung cấp vũ khí cho bất cứ bên nào trong cuộc xung đột sẽ không mang lại lợi ích, đồng thời kêu gọi tăng cường nỗ lực nhằm tổ chức một hội nghị quốc tế để giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn hai năm qua ở Syria.
Còn tại Syria, người dân nước này cũng bày tỏ phản đối về việc Mỹ sẽ vũ trang cho quân nổi dậy tại Syria. Theo ông Mazzin Bilal, một nhà phân tích chính trị độc lập, quyết định này sẽ khiến cuộc khủng hoảng tại Syria leo thang và làm trì hoãn hội nghị hòa bình về Syria tại Geneva: “Tình hình trên chiến trường sẽ không thay đổi, bởi trận chiến này không chỉ là cuộc cạnh tranh về vũ khí. Vấn đề lớn nhất đối với quân nổi dậy đó là họ quá tách biệt, không có sự hợp nhất”.
Mong muốn của đông đảo người dân Syria hiện nay là bạo lực cần phải được chấm dứt càng sớm càng tốt. Một người dân tại Damascus nói: "Nếu những vũ khí được đưa vào Syria, đất nước này sẽ bị tàn phá. Tôi không đồng ý trang bị vũ khí cho quân nổi dậy. Chúng tôi cũng phản đối thiết lập vùng cấm bay tại khu vực”.
Thậm chí, trong chính nước Mỹ cũng có không ít những ý kiến lo ngại về việc lập vùng cấm bay ở Syria sẽ khó khăn, nguy hiểm và hao tiền tốn của hơn so với việc lập vùng cấm bay ở Lybia trước đây. Phó cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes nói: “Chúng tôi đang xem xét hiệu quả về một vùng cấm bay. Thẳng thắn mà nói, đây là cả một vấn đề khi lực lượng của Tổng thống Syria và lực lượng đối lập đang chiếm giữ ở những khu vực xen kẽ nhau. Vì vậy, cần phải hiểu rằng, việc thiết lập vùng cấm bay không có nghĩa là giải quyết được cuộc xung đột đang diễn ra khốc liệt dưới mặt đất”.
Nước Pháp, một đồng minh của Mỹ tại Châu Âu cũng cho rằng, khó có thể thực hiện điều này vào thời điểm hiện tại vì sẽ vấp phải sự phản đối của một số thành viên trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cũng như cộng đồng quốc tế.
Hiện tại, khó có thể đoán biết trước được kịch bản Syria sẽ kết thúc với kết quả như thế nào. Nếu tình trạng xung đột tiếp diễn, việc mất kiểm soát an ninh tại Syria sẽ đe dọa tới toàn bộ khu vực. Việc Mỹ can thiệp vào Syria cũng có thể làm sâu sắc bất đồng với Nga khi hai bên trước đó đã nhất trí hợp tác nhằm thúc đẩy một Hội nghị quốc tế hòa bình về Syria. Vì vậy, giới quan sát đang trông đợi ảnh hưởng của hai siêu cường Nga - Mỹ tại Hội nghị quốc tế về Syria sắp tới có thể giúp chấm dứt bạo lực, tiến tới hòa giải dân tộc với sự tham gia của người dân Syria. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay hy vọng một giải pháp chính trị là hết sức mong manh và càng xa vời./.