Thế giới năm 2015 trước 2 thách thức lớn từ chủ nghĩa khủng bố
VOV.VN - Cơ quan tình báo trung ương Mỹ cảnh báo loạt tấn công xảy ra tại Pháp có thể chỉ là sự khởi đầu cho làn sóng tấn công nhằm vào châu Âu.
Các vụ tấn công xảy ra tại Pháp trong 3 ngày qua đã cho thấy chủ nghĩa khủng bố đã không còn như trước đây. Những tổ chức cực đoan như Al-Quaeda hay nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng dường như không muốn lặp lại các vụ tấn công theo kiểu 11/9 nữa, mà thay vào đó là các vụ tấn công quy mô nhỏ, không cần huy động nhiều người và cũng không cần chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng lại có tác động không hề kém.
Các cuộc tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra trong 3 ngày qua tại thủ đô Paris đã gây chấn động nước Pháp và toàn thế giới. Vụ xả súng tại tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo ngày 7/1 đã khiến 12 người thiệt mạng, vụ nổ súng ở ga tàu điện ngầm ở phía Nam Thủ đô Paris ngày 8/1 làm một nữ cảnh sát thiệt mạng, sau đó là vụ bắt cóc ngày 9/1 tại một xưởng in ở thị trấn Dammartin-en-Goele, Đông Bắc nước Pháp và vụ bắt cóc con tin xảy ra cùng ngày tại một cửa hàng tạp hóa của người Do Thái làm ít nhất 5 người thiệt mạng.
Ba ngày đấu tranh với những kẻ khủng bố đã khép lại song những mối lo về chủ nghĩa khủng bố vẫn còn đó. Trong một thông báo, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve tuyên bố nước này vẫn duy trì cảnh báo an ninh ở mức cao nhất tại khu vực Paris.
"Cảnh báo an ninh tại Paris sẽ vẫn được duy trì ở mức độ cao nhất, tức là nguy cơ cao xảy ra tấn công khủng bố như các cơ sở in ấn, các cơ quan truyền thông cũng như những địa điểm tôn giáo và cả các trường học, tòa nhà công cộng hay các cơ quan ngoại giao. Khoảng 2.000 cảnh sát, 1.350 binh sỹ sẽ tham gia vào nỗ lực này. Song không chỉ có các lực lượng an ninh mà còn có tất cả người dân thủ đô Pari”, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve nói.
Điều này cho thấy, nước Pháp đã ý thức được những mối nguy cơ ngày càng lớn của chủ nghĩa khủng bố. Và không chỉ nước Pháp mà các nhà phân tích đều có chung nhận định rằng, cơn chấn động vừa qua đã đánh dấu một sự thay đổi lớn về chiến thuật của các nhóm khủng bố Hồi giáo nhằm vào phương Tây.
Sau sự kiện tấn công khủng bố 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ, những kẻ cực đoan thường tiến hành các vụ tấn công phức tạp và quy mô lớn cần nhiều sự chuẩn bị và huy động sự tham gia của một lượng lớn tay súng. Tuy nhiên, những kế hoạch như thế này thường dễ dàng bị các lực lượng an ninh phá vỡ.
Bắt đầu từ năm ngoái, các nhóm cực đoan, trong đó có cả Al-Quaeda và nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã bắt đầu có sự thay đổi lớn về chiến thuật, bởi chúng hiểu rằng không cần đến những vụ tấn công như kiểu 11/9 để gieo rắc nỗi sợ hãi và gia tăng căng thẳng trong xã hội.
Một vụ tấn công quy mô nhỏ cũng có thể làm được điều này và sự khởi đầu là các vụ tấn công xảy ra hồi năm ngoái tại Canada và Australia. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với các lực lượng cảnh sát và tình báo châu Âu, họ sẽ phải tìm ra các phương pháp mới để phát hiện và phá vỡ những âm mưu như thế này.
Điều nguy hiểm hơn, vụ tấn công nhằm vào tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo còn cho thấy một cuộc chạy đua giữa các nhóm cực đoan, mà cụ thể ở đây là giữa Al-Quaeda và nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Trước sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo, Al-Quaeda dường như vẫn đang thủ thế. Lâu nay, Al-Quaeda vẫn cho rằng, cách duy nhất để lấy lại lợi thế đó chính là tiến hành các vụ tấn công “gây ấn tượng mạnh” nhằm vào phương Tây và vụ tấn công vừa qua tại Pháp là một ví dụ. Vì thế, có thể nói năm nay thế giới sẽ phải đối mặt với 2 thách thức lớn từ chủ nghĩa khủng bố. Đó là mối nguy cơ từ các vụ tấn công quy mô nhỏ và cuộc đua giữa Al-Quaeda và Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, có một điều mà những kẻ cực đoan không thể hiểu được là, chúng càng gia tăng các hành vi cực đoan thì cộng đồng thế giới sẽ lại càng đoàn kết hơn, càng thống nhất trên một mặt trận chung nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố. Theo kế hoạch, ngày 11/1 tại Thủ đô Paris sẽ diễn ra cuộc tuần hành rầm rộ biểu thị đoàn kết dân tộc, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo thế giới.
Người dân ở Thủ đô Paris nói: “Sự kiện xảy ra vừa qua tại Pháp đã một lần nữa cho thấy, đoàn kết vẫn tốt hơn là chia rẽ và đây là lúc chúng ta phải đoàn kết để chống lại mối nguy cơ lớn từ chủ nghũa khủng bố. Và chúng ta không được phép hoảng sợ, phải đối mặt với nó”.
“Hàng trăm nghìn người và có thể là hàng triệu người sẽ xuống đường trên khắp nước Pháp để phản đối vụ tấn công nhằm vào toà soạn báo Charlie Hebdo và đẻ bảo vệ tinh thần Charlie Hebdo, đó là tinh thần tự do”, một người dân khác chia sẻ.
Cơ quan tình báo trung ương Mỹ ngày 10/1 đã ra cảnh báo khủng bố tại châu Âu theo đó, loạt vụ tấn công xảy ra tại Pháp có thể chỉ là sự khởi đầu cho làn sóng tấn công nhằm vào châu lục này. Song có một điều chắc chắn rằng đây cũng sẽ là sự khởi đầu cho những bước đi mạnh mẽ hơn, cho quyết tâm sắt đá và niềm tin không thể lung lay của thế giới trong cuộc chiến dài hơi chống chủ nghĩa khủng bố./.