Thế giới trước thách thức nghèo đói do Covid-19
VOV.VN - Đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng thêm các điểm nóng về nạn đói trên toàn thế giới.
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày hôm qua (16/3) dẫn số liệu cho thấy đại dịch đã đẩy 4,7 triệu người ở khu vực Đông Nam Á vào cảnh nghèo đói cùng cực năm 2021, với 9,3 triệu người bị mất việc làm. Nhiều phần thuộc khu vực Mỹ Latin-Caribe và thế giới Arab cũng đang báo động về tình trạng nghèo đói.
Theo báo cáo của ADB, Covid-19 đã làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp trên diện rộng, kéo theo tình trạng bất bình đẳng và tăng mức độ nghèo đói, đặc biệt ở nhóm đối tượng là phụ nữ, lao động trẻ và người cao tuổi ở khu vực Đông Nam Á.
Sau hai năm trải qua đại dịch Covid-19, gần 60% dân số khu vực đã tiêm chủng đủ liều cơ bản, cho phép nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại, Đông Nam Á đang bắt đầu phục hồi, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm nay. Song bất chấp những dự báo tích cực hơn cho năm 2022, ADB vẫn lưu ý rằng tình hình kinh tế của khu vực này vẫn mong manh và thu nhập nhiều hộ gia đình tiếp tục giảm. Các chính phủ trong khu vực vì vậy được khuyến khích đầu tư nhiều hơn để tăng cường hệ thống y tế, cải thiện hệ thống giám sát dịch bệnh và ứng phó với các đại dịch tiềm tàng trong tương lai. Về phục hồi tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh, các nước đang định hướng tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh và sáng tạo, đồng thời áp dụng những công nghệ mới.
Không chỉ Đông Nam Á đang trở thành điểm nóng của đói kém, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) trước đó cũng từng cảnh báo nạn đói gia tăng tại khu vực Mỹ Latin và Caribe. Hồi cuối tháng 12/2021, FAO ước tính có khoảng 60 triệu người tại khu vực này đang sống trong cảnh thiếu ăn. Là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới do đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của khu vực Mỹ Latin và Caribe, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), sẽ thấp hơn dự kiến và chỉ đạt mức 2,8% trong năm 2022 và 2,6% trong năm 2023.
Nạn đói cũng đang đe dọa một số nước thuộc “thế giới Arab”, đặc biệt là Somalia và Yemen. Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề nhân đạo, Martin Griffiths mới đây cảnh báo:
“Nhu cầu nhân đạo đã ở mức cao báo động. Năm nay, gần 3/4 dân số Yemen sẽ cần và lệ thuộc vào viện trợ nhân đạo để tồn tại. 19 triệu người sẽ bị đói nếu không được hỗ trợ khẩn cấp”.
Trước nguy cơ Covid-19 trở thành tác nhân làm trầm trọng thêm tình cảnh đói nghèo trên thế giới, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa khẳng định, đại dịch vẫn chưa kết thúc, mỗi quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức khác nhau.
“Sau vài tuần có xu hướng giảm, các ca Covid-19 mới được báo cáo lại một lần nữa gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là ở các khu vực châu Á. Sự gia tăng này đồng nghĩa với việc những gì chúng ta đang thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhưng chúng ta đều biết rõ rằng, một khi các ca bệnh gia tăng, thì tỷ lệ tử vong cũng vậy", ông Adhanom Ghebreyesus nói.
Theo các chuyên gia của Liên Hợp Quốc, trước mắt để giúp các nước nhanh chóng vượt qua khủng hoảng kép về dịch bệnh và đói kém, ngoài từng bước tái thiết nền kinh tế hậu đại dịch, việc mà cộng đồng quốc tế cần bắt tay ngay vào hành động lúc này chính là tăng cường trợ giúp tài chính, lương thực và đảm bảo phân bổ công bằng vaccine ngừa Covid-19. Nếu hàng trăm triệu người nghèo vẫn bị “bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống Covid-19 thì rất có thể sau Omicron, thế giới còn phải đối mặt với nhiều biến thể mới “nhanh hơn, nguy hiểm hơn” của vius SARS-CoV-2./.