Thế giới yêu cầu trách nhiệm với hiện tượng biến đổi khí hậu

Các nước châu Phi sẽ yêu cầu các nước phát triển bồi thường hàng tỷ USD. Nhiều nước khác đề nghị cộng đồng quốc tế phải gấp rút hành động để loại trừ hoặc giảm thiểu tác hại của tình trạng khí hậu biến đổi.

Các quan chức châu Phi cho biết, châu Phi sẽ yêu cầu các nước giàu gây ô nhiễm bồi thường hàng tỷ USD tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) tháng 12 tới vì những thiệt hại gây ra do trái đất ấm dần lên.

Chỉ còn 2 tháng trước khi diễn ra Hội nghị Copenhagen, các quan chức châu Phi đã gặp nhau trong một diễn đàn đặc biệt tại Bukina Faso nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải yêu cầu các nước gây ô nhiễm bồi thường cho những thảm hoạ thiên tai mà biến đổi khí hậu gây ra. Chủ tịch Uỷ ban Liên minh châu Phi Jin Ping nói: “Lần đầu tiên châu Phi sẽ có tiếng nói chung và sẽ yêu cầu các nước giàu đền bù cho những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra”.

Các chuyên gia cho biết, vùng cận Sahara châu Phi là một trong những vùng bị ảnh hưởng nhất do trái đất nóng dần lên. Ngân hàng Thế giới ước tính, các nước đang phát triển sẽ hứng chịu 80% thiệt hại do biến đổi khí hậu, mặc dù những nước này chỉ đóng góp 1/3 số khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển. Trong Tuyên bố chung, nguyên thủ của 6 nước châu Phi dự Diễn đàn nêu rõ, châu Phi ủng hộ lời kêu gọi các nứơc công nghiệp phát triển, đến năm 2020 cắt giảm khí thải ít nhất 40% so với mức của năm 1990.

Bộ trưởng Môi trường của Bukina Faso cho biết, châu Phi cần 65 tỷ USD để đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh thế giới đang phải chứng kiến những cảnh tang thương tại các nước bị thiên tai, và chỉ còn 2 tháng nữa, Hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên hợp quốc sẽ diễn ra nhưng các nước phát triển vẫn chưa có hành động gì cụ thể trong việc bồi thường cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng khí hậu nóng lên. Đó là cảnh báo của nhiều cá nhân và tổ chức trên thế giới mới đưa ra gần đây.

 Trận lụt nghiêm trọng nhất xảy ra ở bang Georgia trong vòng 100 năm qua. (Ảnh:Reuters)

Theo tạp chí Tin tức Châu Á số ra ngày hôm qua (11/10), các hiện tượng khí hậu gần đây tại Việt Nam, Campuchia và Philippines, có thể coi là lời "nhắc nhở lạnh lùng" rằng, cộng đồng quốc tế phải gấp rút hành động để loại trừ hoặc giảm thiểu tác hại của tình trạng khí hậu biến đổi. Trong khi đó, tất cả các nước từng thải nhiều khí gây ô nhiễm môi trường cũng đều cam kết sẽ cắt giảm khối lượng khí carbon dioxit (CO2), đồng thời cung cấp phương tiện tài chính và kỹ thuật tương xứng nhằm giảm nhiệt độ trên Trái Đất. Tuy nhiên, theo Trung tâm phương Nam (South Centre), tổ chức liên chính phủ các nước đang phát triển, do trở ngại từ phía các nước phát triển, chương trình này chưa thể thực hiện được.

Ông Lumumba Di-Aping, Chủ tịch khối các nước đang phát triển G77 + Trung Quốc, cũng nhấn mạnh, các nước phát triển thiếu thiện chí trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm khí thải và cũng chẳng quan tâm thực hiện những cam kết trợ giúp tài chính, kỹ thuật cho các nước đang phát triển.

Viện Môi trường và Phát triển quốc tế (IIED), trong một báo cáo, đã nhận định rằng, khí hậu Trái Đất thay đổi là thêm một gánh nặng đối với các nước đang phát triển, hiện đang phải lo xóa đói giảm nghèo. Điều mà các nước đang phát triển chờ đợi là sự thực hiện nghiêm chỉnh những lời cam kết của những nước giàu - giảm khí thải và đóng góp phương tiện tài chính, kỹ thuật.

Để “nhắc nhở” về trách nhiệm của các nước giàu với hiện tượng biến đổi khí hậu, vài chục nhà hoạt động môi trường ngày 11/10 đã leo lên tòa nhà Quốc hội Anh nhằm thu hút sự chú ý về vấn đề biến đổi khí hậu. Tổ chức Hoà bình Xanh cho biết, 55 thành viên của họ đã lên nóc toà nhà, cầm các biểu ngữ màu vàng với dòng chữ “Hãy thay đổi chính kiến, cứu môi trường”.

Tổ chức Hoà bình Xanh cho biết, các nhà hoạt động môi trường leo lên Tòa nhà Quốc hội bằng thang và dây thừng. Cảnh sát London nói, có từ 20 đến 30 người biểu tình trên nóc tòa nhà Quốc hội. Cảnh sát đã nói chuyện với họ và chưa bắt giữ ai. Qua điện thoại di động từ nóc tòa nhà, cô Anna Giôn, một trong số người biểu tình nói rằng, họ có mặt ở đó để nhắc nhở các nhà lập pháp rằng, họ chưa hành động đủ để ngăn chặn biến đổi khí hậu. Những người biểu tình yêu cầu các nghị sỹ Anh kí vào Bản tuyên ngôn về khí hậu gồm 12 điểm, kêu gọi cắt giảm mạnh khí thải cacbon và đầu tư vào năng lượng tái sinh. Chính phủ Anh cam kết đến năm 2020 giảm 34% lượng khí thải cacbon so với mức của năm 1990.

Hôm nay (12/10), Uỷ ban phụ trách Biến đổi khí hậu (thuộc Quốc hội Anh) dự kiến công bố báo cáo đánh giá những hoạt động của chính phủ trong việc giảm khí thải và xây dựng nền kinh tế ít cacbon./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên