Thêm một lệnh ngừng bắn ở Ukraine liệu có hiệu quả?
VOV.VN - Lệnh ngừng bắn mới được cho là sẽ giúp giảm xung đột miền Đông Ukraine nhưng vẫn khiến dư luận quốc tế chưa khỏi bớt lo ngại về tình hình nước này.
Ngày 4/12, Chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập thông báo đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn dọc khu vực chiến sự phía Đông từ ngày 9/12. Tuy vậy, lệnh ngừng bắn mới này, mặc dù được cho là sẽ giúp giảm xung đột miền Đông Ukraine nhưng vẫn khiến dư luận quốc tế chưa khỏi bớt lo ngại về tình hình tại nước này.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết, những điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn mới bao gồm thỏa thuận hòa bình đạt được tại Thủ đô Minsk của Belarus vào ngày 5/9.
Theo đó, “Ngày yên lặng” sẽ được tiến hành trong khu vực kể từ ngày 9/12 và quân đội Kiev sẽ bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến miền Đông vào ngày 10/12 miễn là lực lượng đối lập cũng tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn. Ông Poroshenko cảnh báo sẽ có những biện pháp mạnh nếu phe đối lập vi phạm thỏa thuận Minsk trước đó.
Trong một phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, ông Andrey Purgin xác nhận về thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên ông này cũng cho biết đây vẫn chưa phải là một thỏa thuận chính thức trên văn bản. Ngoài ra, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng nói rằng họ luôn muốn chấp thuận phương án của Kiev, song bày tỏ nghi ngờ lực lượng quân đội chính phủ sẽ không chỉ giám sát quá trình ngừng bắn mà còn có mục đích khác.
Bất chấp hai bên đều tuyên bố về một lệnh ngừng bắn mới, dư luận nhìn chung vẫn không khỏi lo ngại tình hình tại Ukraine bởi sau khi hai bên ký kết thỏa thuận ngừng bắn tại Minsk vào ngày 5/9, giao tranh vẫn xảy ra tại khu vực miền Đông Ukraine.
Người phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), bà Federica Mogherini khi phát biểu trước Hội đồng Bộ trưởng Đối ngoại thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (OSCE) vào ngày 4/12 đã kêu gọi các bên hãy tuân theo hiệp ước Minsk, bởi hiện đây là văn bản pháp lý duy nhất nhận được sự đồng thuận trong cuộc xung đột.
Trong báo cáo mở đầu phiên họp Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu ở Basel, Thụy Sỹ, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp ước Minsk khi nói rằng hiện nó vẫn chưa được áp dụng đầy đủ trong khu vực.
Ông Burkhalter miêu tả tình hình Ukraine rất “mong manh” và kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về những kế hoạch của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu ở Ukraine. Ông còn nói thêm rằng Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ Nhiệm vụ theo dõi đặc biệt ở Ukraine bằng một khoản tiền trị giá hơn 2 triệu USD.
Cũng phát biểu tại hội nghị cấp cao của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu ở Basel, Thụy Sỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu cần tăng cường các nỗ lực nhằm hạ nhiệt xung đột tại Ukraine.
Ông Lavrov nhấn mạnh quan điểm: cuộc khủng hoảng tại Ukraine phản ánh vấn đề lớn hơn trong khu vực các quốc gia thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu, đó là xây dựng lại lòng tin và hòa giải giữa các quốc gia.
Ngoại trưởng Nga khẳng định thỏa thuận Minsk là nền tảng cơ bản để giải quyết cuộc khủng hoảng tại khu vực Đông Nam Ukraine: "Bây giờ, tất cả các bên, trong đó có Nga, phải làm hết sức để thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk. Không có gì đảm bảo cho hòa bình lâu dài, nhưng với những thứ mà chúng ta có hiện nay thì đấy là cách duy nhất để chúng ta có thể ngăn chặn bạo lực leo thang hơn nữa. Nếu thỏa thuận Minsk được thực hiện nghiêm túc, nó có thể là một cơ sở để ổn định chính trị và kinh tế hơn nữa".
Quan điểm này của ông Lavrov cũng được Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier chia sẻ. Ông Steinmeier cũng cho rằng một số điều khoản trong thỏa thuận Minsk cần được thực hiện trong thời gian sớm nhất nhằm tạo điều kiện để ổn định tình hình chính trị và kinh tế tại Ukraine.
“Nhiều yếu tố khác của thỏa thuận Minsk phụ thuộc vào việc các bên thiết lập lệnh ngừng bắn. Và do đó chúng ta cần phải đạt được tiến bộ trong vấn đề này, vì vậy chúng tôi tập trung trong các cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy các nỗ lực đó. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ sớm giúp tìm ra giải pháp”, ông Steinmeier nói.
Ukraine và lực lượng đối lập từng ký kết một lệnh ngừng bắn ở Minsk của Belarus vào ngày 5/9 nhưng cả hai bên sau đó liên tục vi phạm thỏa thuận. Gần 1.000 người đã thiệt mạng kể từ sau khi thỏa thuận đi vào hiệu lực./.