Thêm nhiều nghị sỹ Nhật Bản tới thăm đền Yasukuni
(VOV) - Các nghị sĩ cho rằng tới đền thờ viếng những người hy sinh vì đất nước là điều bình thường.
Một nhóm gồm 168 nghị sỹ Nhật Bản ngày 23/4 đã tới thăm đền Yasukuni. Điều này càng khiến quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng thêm căng thẳng, trong bối cảnh quan hệ của Nhật Bản với các nước này đang xấu đi do vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Quan chức Nhật Bản đến thăm đền Yasukuni ngày 21/4 (Ảnh: AP) |
Nhóm nghị sỹ tới thăm đền Yasukuni, do thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Hidehisa Otsuji, dẫn đầu. Thông thường chỉ có từ 30-80 nghị sỹ tham gia nhóm thăm đền này, nhưng số nghị sỹ lần này nhiều hơn do có thêm nhiều chính trị gia bảo thủ, chủ yếu từ Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Hội Duy Tân Nhật Bản, đã giành ghế trong cuộc bầu cử hạ viện tháng 12/2012.
Một nghị sĩ Nhật Bản cho rằng: “Việc chúng tôi đến đền thờ để viếng những người đã hy sinh vì đất nước là điều bình thường mà mọi quốc gia đều có thể làm. Vậy vì sao chúng tôi lại bị phản ứng dữ dội như vậy”.
Động thái này diễn ra ngay sau chuyến thăm của 3 bộ trưởng trong nội các Nhật Bản tới thăm đền và Thủ tướng Shinzo Abe tặng cây Masakaki cho ngôi đền này nhân dịp lễ hội mùa Xuân cuối tuần trước. Trước đó, Hàn Quốc và Trung Quốc đã lên tiếng phản đối chuyến thăm đền thờ trên của 3 bộ trưởng Nhật Bản.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc đã ngay lập tức hủy chuyến thăm đã định tới Nhật Bản. Còn Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tặng cây Masakaki theo truyền thống được sử dụng cho các nghi lễ của Nhật Bản cho đền thờ này.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh kêu gọi Tokyo “đối mặt với lịch sử đã qua”. Bà Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh: chỉ khi nào hiểu rõ được lịch sử đã qua và tôn trọng suy nghĩ của các nạn nhân thuộc địa của Tokyo trước đây thì Nhật Bản mới có thể “phát triển một mối quan hệ hợp tác với các nước châu Á khác”.
Đền Yasukuni là nơi thờ hơn 2 triệu người Nhật Bản đã thiệt mạng trong chiến tranh, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh, và bị một số nước coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản./.