Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc các nhóm khủng bố châm ngòi biểu tình
(VOV) - Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi những người ủng hộ ông không bị lôi kéo vào tình trạng bạo lực.
Trước làn sóng biểu tình lan rộng khắp cả nước trong nhiều ngày qua, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 6/6 cho biết các đối tượng thuộc các nhóm khủng bố đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ đồng thời từ chối hủy bỏ một kế hoạch phát triển gây tranh cãi, vốn là nguyên nhân châm ngòi cho các cuộc biểu tình. Trong khi đó, bất chấp việc Chính phủ đã lên tiếng xin lỗi và kêu gọi chấm dứt các hoạt động biểu tình, hàng nghìn người dân nước này vẫn tụ tập biểu tình, đòi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan từ chức.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vẫy chào những người ủng hộ tại sân bay Ataturk của Istanbul ngày 7/6 (Ảnh: Press TV) |
Phát biểu trước đám đông những người ủng hộ sau khi trở về từ chuyến thăm kéo dài 4 ngày tại khu vực Bắc Phi, Thủ tướng Erdogan một lần nữa tuyên bố, các cuộc biểu tình bất hợp pháp đang lan rộng khắp cả nước nhằm phản đối việc chính phủ có kế hoạch phá một công viên tại thành phố Istanbul cần phải chấm dứt. Ông Erdogan cũng kêu gọi những người ủng hộ mình không bị lôi kéo vào tình trạng bạo lực.
Thủ tướng Erdogan nhấn mạnh: “Chúng tôi không cho phép bất kỳ ai cư xử một cách vô luật lệ tại đất nước này, thực hiện các hành vi phá hoại đất nước, phá hoại các thành phố, tài sản và làm tổn thương người dân. Trong 10 ngày nay, chúng tôi vẫn luôn cư xử một cách bình tĩnh và có ý thức. Chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý tình hình một cách bình tĩnh và có kỷ luật”.
Trong bài phát biểu trước đó tại Tunisia trong chuyến thăm nước này, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết các nhóm khủng bố, trong đó bao gồm một nhóm đã tiến hành vụ đánh bom nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Ankara hôm 1/2 vừa qua, đã tham gia vào các cuộc biểu tình kích động đám đông. 7 người nước ngoài cũng đã bị bắt giữ trong các vụ biểu tình này. Những người ủng hộ chính phủ cũng cho rằng, đã xuất hiện các nhóm từ bên ngoài kích động các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Một người dân nói: “Các vụ biểu tình và bạo lực đang diễn ra gần đây là do một số kẻ kích động gây ra. Mọi người đều biết nguyên nhân không phải là vì bảo vệ môi trường. Thế giới đều biết điều này. Các cuộc biểu tình đang chuyển từ mục đích bảo vệ môi trường trở thành các cuộc biểu tình bị kích động”.
Tuy nhiên, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng thừa nhận rằng lực lượng cảnh sát đã quá mạnh tay trong việc trấn áp người biểu tình và cam kết điều tra các vụ việc này. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Muammer Guler ngày 6/6 cho biết, nước này đang tiến hành một cuộc điều tra về cáo buộc cảnh sát đã sử dụng vũ lực “quá mức” với những người biểu tình chống chính phủ trong những ngày vừa qua. Pháp cùng ngày đã lên án việc cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đàn áp người biểu tình, làm 3 người chết, hàng nghìn người bị thương và bị bắt giữ, đồng thời kêu gọi Ancara kiềm chế, tôn trọng quyền được biểu tình.
Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp tục tụ tập tại trung tâm thành phố Istanbul và thủ đô Ankara, kêu gọi Thủ tướng Erdogan từ chức. Cho đến nay đã xảy ra hơn 700 cuộc biểu tình, gây thiệt hại gần 40 triệu USD và khiến hàng nghìn người bị thương.
Các chỉ số chứng khoán chính của Thổ Nhĩ Kỳ đã sụt giảm mạnh trong bối cảnh lo ngại rằng những tuyên bố của Thủ tướng không thể xoa dịu người biểu tình và tình trạng bất ổn tiếp diễn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của đất nước./.