Thổ Nhĩ Kỳ cứng rắn với Mỹ trong việc dẫn độ Giáo sỹ Gulen
VOV.VN - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo Mỹ không nên hy sinh quan hệ song phương vì giáo sĩ Fethullah Gulen.
Phát biểu trước hàng nghìn người tụ tập bên ngoài dinh Tổng thống tại Ankara tối 10/8, Tổng thống Erdogan một lần nữa kêu gọi Mỹ dẫn độ giáo sỹ Hồi giáo Gulen.
Giáo sỹ Gulen là nguyên nhân khiến quan hệ Mỹ-Thỗ Nhĩ Kỳ căng thẳng. Ảnh Reuters
Ông Erdogan cảnh báo: “Sớm hay muộn Mỹ cũng sẽ phải đưa ra lựa chọn: Thổ Nhĩ Kỳ hay giáo sỹ Gulen. Họ sẽ phải chọn giữa một đất nước dân chủ hay một kẻ khủng bố. Chúng ta đã gửi cho họ 80 thùng tài liệu liên quan đến việc dẫn độ giáo sỹ này”.
Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cũng cảnh báo, nếu Mỹ không giao giáo sỹ Gulen thì họ sẽ đánh mất các mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vì một kẻ khủng bố.
Ông Bozdag cũng đặt câu hỏi rằng, Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu một người chịu trách nhiệm về những hành vi bạo lực xảy ra trên đất Mỹ lại vẫn có thể an toàn ở Thổ Nhĩ Kỳ?
Cuộc đảo chính diễn ra đêm 15/7 khi Tổng thống Erdogan đang đi nghỉ cùng gia đình ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội và khu vực quanh dinh tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đều bị ném bom.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trấn áp thành công vụ đảo chính ngày 16/7, cáo buộc giáo sỹ Gulen, người sống tại Mỹ từ năm 1999 đứng đằng sau cuộc đảo chính. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhiều lần thúc giục Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen về nước để xét xử.
Tuy nhiên, phía Mỹ tới nay vẫn không thay đổi quan điểm rằng, để dẫn độ giáo sỹ Gulen, Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp đầy đủ các bằng chứng rõ ràng về sự liên quan của giáo sỹ này tới cuộc đảo chính bất thành chứ không phải chỉ là những lời cáo buộc.
Liên quan đến số tài liệu mà Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau cho biết: “Hiện các cơ quan chức năng của Mỹ vẫn đang ở trong quá trình xem xét các tài liệu mà Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp. Mỹ cũng giữ liên lạc chặt chẽ với giới chức Thiỉ Nhĩ Kỳ. Đây là một quá trình pháp lý chuyên môn không thể quyết định trong ngày một ngày hai”.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trở nên căng thẳng hơn kể từ sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ngày 15/7 vừa qua, đặc biệt liên quan đến cách xử lý tình hình sau đảo chính của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từng bày tỏ, việc Mỹ, một đồng minh thân thiết và là đối tác quan trọng trong NATO, chậm trễ trong việc lên án cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính quyền được bầu một cách dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ là điều khó hiểu; đồng thời, việc không dẫn độ kẻ đứng đằng sau cuộc đảo chính này lại càng không thể chấp nhận từ một đồng minh như Mỹ.
Theo giới phân tích, chính những căng thẳng này đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi cách tiếp cận trong quan hệ với Nga – đối trọng của Mỹ. Điều này thể hiện rõ rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không phụ thuộc vào duy nhất quan hệ đồng minh với Mỹ nói riêng và các đồng minh phương tây nói chung, mà còn có nhiều lựa chọn khác./.