Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Iraq - nguy cơ đối đầu khu vực
VOV.VN - Căng thẳng giữa 2 nước Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ có dấu hiệu leo thang do những tranh cãi về việc Ankara triển khai quân trên lãnh thổ của Baghdad.
Chính phủ Iraq ngày 5/12 đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đến để phản đối, trong khi một số nghị sĩ đã yêu cầu Quốc hội họp khẩn để thông qua những hành động quân sự cứng rắn hơn với quốc gia láng giềng.
Trong một thông cáo, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết, chính phủ Iraq kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức rút quân khỏi lãnh thổ Iraq, đồng thời nhấn mạnh, đây là một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước này.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. (Ảnh AFP). |
Yêu cầu đưa ra 1 ngày sau khi Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, khoảng 150 binh sĩ nước này đã được triển khai tới Bashiqa, gần khu vực Mosul, miền Bắc Iraq để huấn luyện những tay súng người Kurd chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Theo Thủ tướng Iraq al-Abadi, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa nhiều nhóm quân tới lãnh thổ Iraq, với gần một trung đoàn thiết giáp với lý do để huấn luyện các lực lượng vũ trang mà không xin phép hay được chính quyền Iraq chấp thuận.
Bộ Ngoại giao Iraq cùng ngày đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này tới để phản đối, trong khi Tổng thống Iraq Fouad Massoum cho rằng, động thái này của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là một sự vi phạm luật pháp quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Iraq Hakim al-Zamili cũng đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng al-Abadi, yêu cầu điều máy bay không kích vào các vị trí mà binh lính và xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập lãnh thổ nhằm giáng trả hành động mà ông cho là “xâm lược trắng trợn một quốc gia có chủ quyền”.
“Trong trường hợp các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ không chịu rút khỏi khu vực và quân đội Iraq không có phản ứng gì, thì điều này sẽ mở đường cho các lực lượng nước ngoài khác như Mỹ, Saudi Arabia, Qatar và các quốc gia Hồi giáo khác. Đây sẽ là sự mở đầu và một thử thách. Vì thế, tôi đã yêu cầu Quốc hội tổ chức phiên họp khẩn cấp để đưa ra những quyết định phù hợp”, ông al- Zamili nói.
Nằm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chỉ khoảng 80km và là nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bố trí một doanh trại để huấn luyện các tay súng người Kurd, Basica hiện nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng người Kurd.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 5/12 đã phủ nhận những thông tin cho rằng đây là sự chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự tại Iraq. Theo ông, đây không phải là một doanh trại quân đội mới được thành lập và việc triển khai quân này chỉ là một hoạt động bình thường, là sự tăng cường lực lượng nhằm đối với phó với những nguy cơ về an ninh.
“Doanh trại tại Basica được xây dựng như một trại huấn luyện dành cho các lực lượng tình nguyện chống khủng bố địa phương, được đặt tại miền Bắc Iraq cách Mosul khoảng 30 km. Đây không phải là một doanh trại mới. Trong năm qua, đã có khoảng 2.000 tay súng tình nguyện từ Mosul được huấn luyện tại đây để chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Chương trình huấn luyện này được triển khai theo yêu cầu của chính quyền vùng Mosul và được sự phối hợp của Bộ quốc phòng Iraq”, ông Ahmet Davutoglu nói.
Tuy nhiên, trong một thông cáo, chính quyền người Kurd tại Iraq lại cho biết, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ những ngày qua đã gửi các chuyên gia và trang thiết bị cần thiết tới khu vực nhằm mở rộng doanh trại. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định, với khoảng 600 binh sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ đang thiết lập một căn cứ tại Basica chiểu theo thỏa thuận giữa lãnh đạo người Kurd tại Iraq và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các nhà phân tích, việc triển khai quân của Thổ Nhĩ Kỳ là một thách thức nữa đối với Chính phủ Iraq khi nước này mới đây đã có những tuyên bố phản đối mạnh mẽ mọi ý định triển khai quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Iraq và coi đây là một hành vi thù địch.
Lời kêu gọi của 2 thượng nghị sĩ Mỹ tăng gấp 3 số lượng quân đội Mỹ tại Iraq và thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về ý định triển khai các lực lượng đặc biệt tới nước này để hỗ trợ cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã đặt ông al-Abadi trước những sức ép lớn.
Bởi ngay cả khi muốn nhận được sự hỗ trợ của Mỹ, ông cũng phải trấn an được tâm lý chống đối của các lực lượng dân quân người Shiite đối với sự có mặt của quân đội Mỹ và nước ngoài./.