Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Libya, tạo căng thẳng mới ở Địa Trung Hải
VOV.VN - Thỏa thuận mới cho phép cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện khoan thăm dò ở thềm lục địa của Libya trên Địa Trung Hải, với sự cho phép của Libya.
Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Libya được quốc tế công nhận đã ký thỏa thuận hợp tác an ninh - quân sự và thỏa thuận phân định quyền tài phán trên biển giữa hai nước. Động thái này lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều nước, đặc biệt là Hy Lạp, Israel, Ai Cập và kéo theo nguy cơ một cuộc tranh chấp tài nguyên ở Địa Trung Hải.
Thỏa thuận mới cho phép cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện khoan thăm dò ở thềm lục địa của Libya trên Địa Trung Hải, với sự cho phép của Libya. Ảnh: Israel Hayom |
Thỏa thuận về phân định quyền tài phán trên biển sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận vùng kinh tế còn đang tranh chấp ở phía Đông của biển Địa Trung Hải. Thỏa thuận nhằm tạo ra vùng đặc quyền kinh tế từ bờ biển phía nam Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ đến bờ biển đông bắc của Libya. Theo đó Thổ Nhĩ Kỳ và Libya có thể tiến hành các hoạt động thăm dò chung khí đốt tự nhiên ở phía đông Địa Trung Hải, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện khoan thăm dò ở thềm lục địa của Libya, với sự cho phép của Libya.
Giữa lúc các bên còn nghi ngờ ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 25/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bất ngờ đến thăm Tunusia, quốc gia mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là bị tác động tiêu cực do xung đột ở Libya. Tháp tùng chuyến thăm cuả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn có Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng, Giám đốc Cơ quan tình báo.
Trong khi các nước trong khu vực chưa rõ nội dung, mục đích của chuyến thăm thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc hội đàm với Tổng thống Tunisia Kais Saied tuyên bố: "Chúng tôi đã thảo luận những bước đi mà chúng tôi có thể thực hiện cũng như các cơ hội có thể hợp tác nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn ở Libya càng sớm càng tốt và quay trở lại tiến trình chính trị”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chuyến thăm Tuynidi là một phần trong nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường ký thỏa thuận với các nước ở Địa Trung Hải, khu vực có tranh chấp về tài nguyên với Síp, Hy Lạp. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố thỏa thuận với Libya nhằm bảo vệ quyền lợi của nước này theo luật pháp quốc tế và ngỏ ý có thể ký các thoả thuận tương tự với các nước khác trên nguyên tắc “chia sẻ công bằng” các nguồn tài nguyên. Hy Lạp lâu nay có tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề đảo Síp và lãnh hải ở biển Aegean càng thêm giận dữ trước thỏa thuận Libya-Thổ Nhĩ Kỳ. Hy Lạp đã trục xuất đại sứ Libya và đệ đơn kiện lên Liên Hợp Quốc.
Hy Lạp và Síp tuyên bố thỏa thuận vi phạm luật quốc tế về biển, có mục đích gây bất ổn cho các đối thủ ở khu vực và có ý phá hoại các dự án phát triển khai thác khí đốt ở đông Địa Trung Hải.
Ai Cập và Israel, 2 nước có đầu tư lớn vào khai thác năng lượng ở khu vực cũng báo động trước động thái của Thổ Nhĩ Kỳ-Libya, bởi nó đe dọa khả năng xuất khẩu khí đốt của 2 nước sang châu Âu. Israel thì cho rằng, thỏa thuận trên biển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya nhằm vạch ra hành lang đường biên giới trên biển, rõ ràng là động thái mở đường cho thăm dò dầu khí ở đây.
Giới quan sát cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ bắn mũi tên tới nhiều đích bởi nó ngăn cản các dự án hợp tác khai thác khí đốt ở Đông Địa Trung Hải mà Síp, Hy Lạp, Israel, Ai Cập đang nỗ lực thực hiện, đồng thời đặt ra hàng rào đối với dự án đường ống kết nối từ Israel và Síp tới Hy Lạp và tới châu Âu. Bởi lẽ đường ống từ 7-9 tỷ USD này bắt buộc phải đi qua vùng đặc quyền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ - Libya. Thổ Nhĩ Kỳ cũng thành công khi phát đi thông điệp rằng, nước này không thể bị phớt lờ ở Đông Địa Trung Hải, bởi Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là quốc gia sản xuất khí đốt lớn mà còn là quốc gia trung chuyển.
Vùng lòng chảo Đông Địa Trung Hải ước tính có khối lượng khí đốt trị giá 700 tỷ USD. Tuy nhiên, để khai thác, lặp đặt đường ống cho xuất khẩu đang là bài toán khó cho các nước trong khu vực và Thỏa thuận Libya-Thổ Nhĩ Kỳ là thêm 1 rào cản cho các nỗ lực đó./.