Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính: Các phe đối lập tổ chức tuần hành chung
VOV.VN - Ngày 24/7, những người ủng hộ đảng cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng những người theo phe chính trị đối lập tổ chức cuộc đại tuần hành vì dân chủ.
Cuộc tuần hành thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người, là một hành động hiếm hoi cho thấy sự “sát cánh” giữa đảng cầm quyền và các phe đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự bất thành đêm ngày 15/7 vừa qua.
Cuộc tuần hành diễn ra tại Quảng trường Taksim ở trung tâm thành phố Istanbul do phe đối lập lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ là Đảng Nhân dân Cộng hòa tổ chức, với sự tham gia của các đảng đối lập khác và cả Đảng cầm quyền Công lý và Phát triển nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết sau vụ đảo chính bất thành đã làm ít nhất 246 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương.
Quảng trường Taksim của Istanbul trở thành biển cờ đỏ trong "lễ hội dân chủ". (Ảnh: AP). |
Trong một động thái hiếm hoi, các kênh truyền hình ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Tayyip Erdogan đã phát trực tiếp phát biểu của nhà lãnh đạo Đảng Nhân dân Cộng hòa ông Kemal Kilicdaroglu nhấn mạnh rằng: “Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ không thể được lãnh đạo bởi sự hung bạo, giận giữ và thiếu phép tắc. Những kẻ đã gây ra cuộc đảo chính phải bị pháp luật trừng trị. Đây là yêu cầu đầu tiên cho sự toàn vẹn và giá trị của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ”.
Trong khi đó, Hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Tổng thống Erdogan đã mời lãnh đạo một số chính đảng đến Dinh Tổng thống ở Thủ đô Ankara vào chiều 25/7 (theo giờ địa phương) để cảm ơn về sự ủng hộ đối với ông, đồng thời thảo luận về tình hình đất nước sau cuộc đảo chính quân sự hôm 15/7.
Theo nguồn tin, ông Erdogan đã gửi bức thư đến các nhà lãnh đạo của Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền - Thủ tướng Binali Yildirim, Đảng Nhân dân Cộng hòa- ông Kilicdaroglu và Đảng Phong trào Dân tộc- ông Devlet Bahceli.
Bức thư nêu rõ âm mưu đảo chính quân sự do Giáo sĩ Fethullah Gulen dẫn dắt, nhằm phá hủy chế độ dân chủ do Hiến pháp quy định, cũng như các quyền cơ bản và quyền tự do của người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc đảo chính đã bị ngăn chặn bởi sự phản kháng dũng cảm của các chính đảng tôn trọng triệt để nền dân chủ. Bức thư cho biết thêm tất cả các chính đảng tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng có lập trường kiên quyết tương tự. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đẩy mạnh trấn áp sau đảo chính quân sự
Sau cuộc đảo chính, Đảng đối lập lớn nhất Nhân dân Cộng hòa cùng các đảng đối lập khác tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng quay sang ủng hộ đảng cầm quyền lên án mạnh mẽ hành động này. Không chỉ tại Quảng trường Taksim ở Istanbul, tuần hành cũng diễn ra tại nhiều thành phố khác của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cho các đảng phái chính trị khác nhau đã cùng mang quốc kỳ tham gia tuần hành. Cuộc đảo chính bất thành đêm ngày 15/7 đã trở thành chất xúc tác tạo nên một cuộc tuần hành mang tinh thần dân tộc của người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Những người tham gia tuần hành cho biết: “Tôi không lo ngại khi tham gia cuộc tuần hành này. Mọi người quanh đây cũng vậy. Tôi đã tham gia cuộc tuần hành do đảng đối lập Nhân dân Cộng hòa tổ chức với tư cách là một người ủng hộ Tổng thống Erdogan và đảng cầm quyền Công lý và Phát triển. Ở đây còn có người ủng hộc của các đảng chính trị khác. Chúng tôi đã tập trung ở đây với tư cách là người dân của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi tin rằng lệnh tình trạng khẩn cấp không phải để chống lại người dân Thổ Nhĩ Kỳ mà để đối phó với những kẻ khủng bố”.
“Tôi không lo ngại bất cứ điều gì cả bởi vì tôi tin tưởng rằng chính phủ sẽ làm những điều cần thiết. Tôi tin rằng những điều tốt đẹp sẽ đến và chúng tôi không đánh mất hy vọng của mình”, một người khác cho hay.
Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua “cuộc thanh trừng” sau đảo chính, vốn khiến nhiều nước phương Tây không khỏi quan ngại. Tổng thống Erdogan ngày 20/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng, khẳng định tình trạng khẩn cấp là cần thiết “nhằm nhanh chóng loại bỏ những phần tử của tổ chức khủng bố có liên quan đến âm mưu đảo chính”. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp nếu cần thiết
Đến nay, hơn 60.000 công dân nước này trong đó có cả binh lính, cảnh sát, thẩm phán, giáo viên, công nhân viên chức đã bị bắt giữ hoặc bị điều tra. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker phát biểu trên truyền hình hôm nay (25/7) đã tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU) dù là trong ngắn hạn hay dài hạn, thậm chí mọi cuộc đàm phán về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU sẽ bị đình chỉ ngay lập tức nếu nước này tái áp dụng án tử hình với những kẻ đảo chính.
Thổ Nhĩ Kỳ từng bỏ án tử hình vào năm 2004 như một biện pháp để thúc đẩy khả năng trở thành thành viên của EU. Tuy nhiên, sau khi đập tan vụ đảo chính vừa qua, Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ khôi phục án tử hình và vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ./.