Thỏa thuận Brexit lại thất bại: Tương lai khó đoán định cho nước Anh
VOV.VN - Kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 12/3 tại Hạ viện Anh đang đặt nước này trước viễn cảnh bất định với khả năng về một Brexit không thỏa thuận.
Gần 3 năm sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân về việc Anh rời Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) và 17 ngày trước khi nước này dự kiến rời khỏi khối, tương lai nước Anh tiếp tục đứng trước viễn cảnh bất định, khi Quốc hội Anh hôm qua (12/3) bỏ phiếu bác lại dự thảo thoả thuận Brexit sửa đổi lần thứ hai của Thủ tướng Theresa May.
Kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 12/3 tại Hạ viện Anh đang đặt nước này trước viễn cảnh bất định với khả năng về một Brexit không thỏa thuận. Ảnh: Reuters |
Việc Nghị viện Anh một lần nữa bỏ phiếu phủ quyết với Thỏa thuận là một thất bại tiếp theo của Thủ tướng Theresa May, sau những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi, tìm kiếm sự ủng hộ để đảm bảo nước Anh ra khỏi EU đúng thời hạn và có thỏa thuận. Cuộc bỏ phiếu đã khiến nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới tiếp tục đối mặt với một viễn cảnh khó đoán định: Ra khỏi EU không thỏa thuận, trì hoãn thời điểm Brexit vào ngày 29/3, một cuộc bầu cử sớm hay thậm chí một cuộc trưng cầu ý dân khác.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết, ngày 13/3, Quốc hội sẽ bỏ phiếu quyết định liệu nước Anh ra khỏi EU không có thỏa thuận vào ngày 29/3 hay không. Nếu các nghị sĩ bỏ phiếu không ủng hộ viễn cảnh Anh ra khỏi EU không thỏa thuận, ngày 14/3 sẽ diễn ra một cuộc bỏ phiếu về việc có nên gia hạn thời điểm Anh ra khỏi Liên minh châu Âu hay không.
Lãnh đạo Công đảng đối lập Anh Jeremy Corbyn hôm 12/3 kêu gọi chính phủ bác bỏ viễn cảnh Brexit không thỏa thuận: “Thỏa thuận lại bị thất bại và với đa số phiếu không ủng hộ. Điều đó cho thấy chúng ta phải chấp nhận rằng thỏa thuận và đề xuất mà Thủ tướng Theresa May đưa ra đã chết. Và một điều rõ ràng rằng, viễn cảnh Brexit không thỏa thuận cũng sẽ không được ủng hộ. Tôi nghĩ đã đến thời điểm cho cuộc tổng tuyển cử và người dân có thể lựa chọn chính phủ của chính mình”.
Hầu hết giới chuyên gia đều nhận định, việc gia hạn thời điểm Anh ra khỏi EU vào tháng 5 hoặc tháng 6 có thể là kết quả nhiều khả năng nhất, trong bối cảnh nhiều nghị sĩ khẳng định sẽ phản đối Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên để gia hạn thời điểm Anh ra khỏi EU cũng vẫn cần sự chấp nhận của lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu.
Ông Alex de Ruyter - chuyên gia nghiên cứu vấn đề Brexit của Trường đại học Birmingham tại Anh nhận định, không có đảm bảo chắc chắn rằng EU sẽ ủng hộ gia hạn. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm qua (12/3) cho biết, bất cứ yêu cầu nào từ chính phủ Anh trì hoãn việc ra khỏi EU cũng cần phải nhận được những giải thích hợp lí và đáng tin cậy. Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu dự kiến diễn ra tại Brussel, Bỉ vào tuần tới với khả năng yêu cầu gia hạn Brexit của Anh sẽ được đưa ra thảo luận.
Mặc dù vậy, kể cả khi yêu cầu gia hạn của Anh được chấp nhận, cũng có nhiều câu hỏi đặt ra về việc chính phủ sẽ phải làm gì trong thời gian gia hạn này để phá vỡ thế bế tắc tại Nghị viện.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết bà hiện không có thêm các cuộc đối thoại với những đối tác châu Âu sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, trong khi EU cũng bác bỏ bất cứ cuộc đàm phán nào với Anh về các điều khoản li hôn. Nhiều nước EU cũng cho rằng, với những diễn biến hiện nay thì nguy cơ Brexit không có thỏa thuận đã "tăng đáng kể".
Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier hôm 12/3 khẳng định, khối này đã làm tất cả những gì có thể để giúp thỏa thuận được thông qua. Ông cho biết, sự bế tắc chỉ có thể được giải quyết ở nước Anh và công tác chuẩn bị của EU cho một Brexit không thỏa thuận giờ đây trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bộ trưởng Đức Heiko Maas hôm qua cho biết, Anh đang tiến gần hơn đến việc ra khỏi EU không thỏa thuận và cả hai bên nên tập trung vào việc xác định mối quan hệ tương lai sau Brexit.
EU hiện vẫn đang trông chờ một lý do đáng tin cậy cho khả năng và thời gian gia hạn Brexit, nhưng cũng tiếp tục khẳng định rằng bất kỳ sự trì hoãn nào cũng không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào các ngày 24-26/5 tới./.
Thoả thuận Brexit lại bị bác bỏ: Nước Anh muốn đi về đâu?