Thỏa thuận hạt nhân 2015: Israel và Iran tìm cách tiếp cận chính quyền Biden
VOV.VN - Cả Israel và Iran đều đang có những động thái tiếp cận với chính quyền của Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngay trong những ngày đầu tiên sau lễ nhậm chức.
Hiện Iran đang để ngỏ khả năng quay trở lại tuân thủ mọi cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, với những điều kiện đưa ra với Mỹ; trong khi Israel lại có ý định trình Mỹ một bản dự thỏa thỏa thuận hạt nhân Iran hoàn toàn mới so với bản 2015.
Truyền thông dẫn nguồn từ chính phủ Mỹ và Israel mới đưa tin, người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad của Israel, cũng là một trong những đồng minh thân cận nhất của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Yossi Cohen dự kiến đến thủ đô Washington, Mỹ vào tháng tới, để trình bày lên chính quyền Tổng thống Biden bản thảo điều kiện liên quan tới một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng với Iran. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Israel lo ngại chính quyền Mỹ mới của Tổng thống Biden sẽ khôi phục thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran năm 2015.
Ông Cohen dự kiến cũng sẽ gặp Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và một lần nữa đưa ra bản đánh giá tình báo về chương trình hạt nhân Iran.
Đội ngũ tới Washington của Israel sắp tới sẽ yêu cầu “thay đổi triệt để” thỏa thuận 2015, với những điều kiệt khắt khe hơn đối với Tehran, bao gồm ngừng hoàn toàn việc làm giàu urani và sản xuất máy ly tâm tiên tiến. Trên hết, Israel muốn Iran ngừng “hỗ trợ các nhóm khủng bố” và “chấm dứt hiện diện quân sự ở Iraq, Syria và Yemen”.
Trái ngược với Israel, Iran lại kêu gọi chính quyền mới của Mỹ quay trở lại thỏa thuận năm 2015, thực hiện nghĩa vụ của Mỹ từng cam kết trong thỏa thuận.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết: “Giờ quả bóng đang ở trong chân Mỹ và Washington nên trở lại và thực hiện nghĩa vụ của mình. Chính quyền của ông Donald Trump đã kết thúc, nhưng thỏa thuận hạt nhân vẫn còn sống. Tất cả những nỗ lực của ông Trump để phá bỏ thỏa thuận này đã không thành công. Hiện đến lúc nhóm P5+1 thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu họ làm được, họ biết rằng chúng tôi cũng sẽ làm như vậy.”
Trong khi, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng khẳng định, điều đầu tiên tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cần phải làm đầu tiên là: dỡ bỏ vô điều kiện các lệnh trừng phạt dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump. Ông Zarif cho rằng, chính quyền của Tổng thống Biden vẫn có thể cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử, song cảnh báo rằng “cơ hội sẽ mất nếu Washington vẫn bòn rút sự nhượng bộ” từ Tehran.
Tờ al-Jarida của Kuwait dẫn nguồn từ chính phủ Iran cho biết, các nhà ngoại giao nước này đã đàm phán về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với chính quyền Mỹ dự kiến của ông Joe Biden, ngay cả trước khi ông Biden nhậm chức và vẫn đang tiếp tục dưới dạng không chính thức. Tờ báo này cho biết thêm, Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Majid Takht Rawanji đã được triệu hồi về Tehran để sắp xếp các cuộc gặp với chính quyền mới ở Washington trước khi quay trở lại New York. Phía Iran dự kiến đưa ra danh sách gồm 7 điều kiện nhằm khôi phục đàm phán về chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này, bao gồm việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt; bồi thường tổn thất do trừng phạt; tách riêng vấn đề tên lửa và ảnh hưởng của Iran trong khu vực với vấn đề hạt nhân; thỏa thuận hạt nhân vẫn chỉ trong khuôn khổ 7 quốc gia gồm Iran và nhóm P5+1, không bao gồm các nước khác….
Tháng 1 vừa qua, Iran tuyên bố bắt đầu làm giàu urani lên 20%, vượt xa các điều kiện hạn chế của thỏa thuận. Iran cũng đưa ra một tối hậu thư mang tính biểu tượng, rằng chính quyền của Tổng thống Biden sẽ có một tháng, đến ngày 21/2, để đảo ngược các lệnh trừng phạt. Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát Iran tuân thủ thỏa thuận, cảnh báo thời gian sắp hết khi "chỉ còn vài tuần nữa" để cứu thỏa thuận hạt nhân./.