Thỏa thuận hạt nhân Iran: Nga cam kết ủng hộ khi Mỹ muốn xóa bỏ
VOV.VN - Nga cam kết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran đã ký với các cường quốc năm 2015. Trong khi đó, Mỹ lại sắp quyết định có xóa bỏ thỏa thuận này hay không.
Nga hôm qua cam kết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran đã ký với các cường quốc hồi năm 2015. Động thái này diễn ra vào thời điểm hết sức quan trọng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp đưa ra quyết định có hay không xóa bỏ thỏa thuận mang tính lịch sử này.
Phát biểu trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga tại thủ đô Moscow, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đánh giá cao sự tham gia của Nga trong việc thực hiện Kế hoạch Hành động chung toàn diện, hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ngoại trưởng Iran Zarip (trái) và Ngoại trưởng Nga Lavrov. Ảnh: Sputnik |
Ông Zarip kêu gọi Nga và các nước khác hợp tác chặt chẽ để đảm bảo thỏa thuận này tiếp tục được thực hiện trong tương lai. Mặc dù không nêu đích danh Mỹ, nhưng nhà ngoại giao hàng đầu của Iran cũng lên tiếng cáo buộc: "Thật không may, một thành viên khác trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện không chỉ không hoàn thành nghĩa vụ của thỏa thuận này mà còn thực hiện các chính sách phá hoại."
Về phần mình, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định, Nga sẽ nỗ lực đảm bảo thỏa thuận hạt nhân Iran. "Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ tính khả thi của chương trình này và tầm quan trọng của nó nhằm đảm bảo ổn định tình hình khu vực cũng như giải quyết vấn đề liên quan tới không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt".
Nga lên tiếng ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran giữa lúc số phận của thỏa thuận này sắp được định đoạt sau quyết định của Mỹ. Chỉ cách đây vài ngày, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga, ông Leonid Slutsky cho rằng, việc Mỹ kêu gọi xem xét lại thỏa thuận được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 là hành động đi ngược lại mục tiêu hòa bình và an ninh thế giới. Bởi lẽ thỏa thuận này mang tính chất quốc tế khi được tất cả các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức phê chuẩn.
Còn theo ông David Rothkopf, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường nghiên cứu quốc tế cấp cao Johns Hopkins (Mỹ), Tổng thống Donald Trump thậm chí có thể mất đi ảnh hưởng nếu phá hủy thỏa thuận hạt nhân này.
Việc Mỹ xóa bỏ thỏa thuận lịch sử với Iran cũng sẽ kéo theo quyết định áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Tehran. Hành động này chắc chắn làm căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran. Chưa kể việc Washington chưa tính tới chuyện, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong chiến dịch nối lại các lệnh trừng phạt chống lại Iran.
Giới quan sát còn nhận định, việc Mỹ đơn phương cô lập Iran sẽ tạo ra những tác động tiêu cực cũng như đẩy quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 trong khối OPEC chuyển sang dùng đồng nhân dân tệ. Điều này cũng đồng nghĩa là sẽ tạo thêm động lực để đồng tiền của Trung Quốc lên một tầm cao mới trên thị trường quốc tế. Cách đây vài tháng, ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs cũng từng dự đoán các hành động đơn phương của Mỹ có thể gây ảnh hưởng tới doanh thu từ hàng trăm ngàn thùng dầu mỗi ngày của Iran.
Hiện một loạt các viễn cảnh được dự báo có thể xảy ra nếu thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và P5+1 bị xóa bỏ. Và kịch bản tồi tệ nhất mà giới quan sát lo ngại là thỏa thuận này sụp đổ có thể trở thành tác nhân gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, đồng thời làm tồi tệ hơn tình hình tại khu vực Trung Đông vốn đã nóng như chảo lửa./.
“Mùa xuân Arab” khó lan sang Iran