Thỏa thuận nhập cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được giữ vững
VOV.VN - Quan chức Đức và Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định EU và Thổ vẫn giữ vững thỏa thuận song phương về ngăn chặn dòng người nhập cư.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề nhập cư của Hy Lạp Yiannis Mouzalas hôm qua (3/8) cho biết, thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư vẫn đang được giữ vững.
Dòng người nhập cư vào châu Âu.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho cuối tuần trước cảnh báo, nước này có thể rút lại thỏa thuận ngăn chặn dòng người nhập cư vào Liên minh châu Âu nếu khối này không thưc hiện những cam kết về thúc đẩy miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này đã giảm đáng kể lượng người tị nạn và nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp.
Tuy nhiên, trả lời báo “Hình ảnh” (Bild) của Đức hôm 3/8, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề nhập cư của Hy Lạp Yiannis Mouzalas khẳng định đến nay thỏa thuận này vẫn được thực thi đầy đủ. Theo Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), tính từ đầu năm đến ngày 27/7 vừa qua, hơn 257.000 người nhập cư và tị nạn đã đến châu Âu bằng đường biển và ít nhất 3.000 người thiệt mạng trên hành trình hiểm nguy này. Con số này giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vậy, ông Mouzalas vẫn bày tỏ quan ngại vì đến nay số lượng người đã cập bến các hòn đảo của Hy Lạp lại không nằm trong bất cứ điều khoản nào mà các bên đã nhất trí. Ông cho rằng, châu Âu cần phải có cơ chế phân bổ người tị nạn công bằng hơn khi hầu hết những người từ các nước có chiến tranh như Syria, Iraq và Afghanistan tìm đường đến Đức hay Thụy Điển nhưng lại mắc kẹt ở những nước ở có đường biên giới ngoài của liên minh như Hy Lạp.
Trước đó, tờ “Hình ảnh” của Đức cũng đã dẫn lời ong Mouzalas cho rằng, Liên minh châu Âu cần một kế hoạch dự phòng trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ thực sự rút lại thỏa thuận nhập cư. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, châu Âu không thể dễ dàng bị Thổ Nhĩ Kỳ gây sức ép trong cuộc đàm phán miễn thị thực.
Tiến trình này đang bị đình trệ vì những tranh cãi xung quanh dự luật chống khủng bố mới của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như hành động mà Liên minh châu Âu cho là “cuộc thanh trừng” của chính phủ sau khi một số quan chức quân đội đảo chính thất bại đêm 15/7 vừa qua./.