Thời gian tiếp xúc-yếu tố quan trọng quyết định nguy cơ mắc Covid-19
VOV.VN - Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy khả năng lây mắc Covid-19 có liên quan chặt chẽ tới thời gian tiếp xúc với virus mang mầm bệnh.
Tới thời điểm hiện tại, các phương pháp chính phòng ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 được khuyến cáo chỉ là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không tụ tập nơi đông người.
Tuy nhiên, vẫn còn một yếu tố có liên quan đến nguy cơ lây nhiễm ít được chú ý tới, đó chính là thời gian tiếp xúc. Càng ở lâu trong một môi trường có thể chứa virus SARS-CoV-2, nguy cơ nhiễm bệnh sẽ càng cao.
Erin Bromage, nhà miễn dịch học đồng thời là giáo sư sinh học tại Đại học Massachusetts Dartmouth (Mỹ) đã tóm tắt yếu tố lây nhiễm này bằng một “công thức” ngắn gọn: Nhiễm trùng xảy ra = Tiếp xúc với virus x Thời gian
Con người sẽ mắc Covid-19 nếu số lượng virus SARS-CoV-2 phơi nhiễm đạt đến một ngưỡng nhất định. Lượng virus này đến từ những giọt bắn trong không khí của người nhiễm bệnh khi họ ho hoặc hắt hơi. Tuy nhiên, một người mắc Covid-19 khi nói chuyện hay thậm chí chỉ thở cũng vẫn lan truyền vào không khí một lượng virus và qua một khoảng thời gian dài trong không gian kín, vẫn có thể lây nhiễm virus sang người khác.
“Thời gian bạn ở trong môi trường chứa virus càng lâu, từ vài phút đến vài giờ, bạn sẽ càng hít phải nhiều không khí nhiễm virus. Lượng virus tích tụ bên trong cơ thể sẽ càng nhiều lên và khi đạt ngưỡng, bạn sẽ trở thành bệnh nhân mới của virus SARS-CoV-2”, Tiến sĩ Bromage cho biết./.