Thông điệp nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS
(VOV) -Giám đốc điều hành UNAIDS, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Michel Sidibé đã gửi thông điệp nhân ngày 1/12.
Nội dung thông điệp như sau: “Hỡi hàng triệu triệu con người đã và đang sát cánh bên nhau, cùng chung niềm nhiệt huyết và quyết tâm phòng, chống AIDS trong Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm nay.
Tôi xin được nói với các bạn rằng: “Máu, mồ hôi và nước mắt của các bạn đang làm thay đổi thế giới”.
Chúng ta đã đi từ tuyệt vọng đến hy vọng. Ngày hôm nay đã ít đi rất nhiều người phải chết do AIDS.
Thế giới phòng chống AID năm nay với mục tiêu Ba không (ảnh: Tân Hoa xã) |
Có 25 quốc gia đã giảm được hơn 50% số ca nhiễm mới. Tôi mong muốn được thấy bước tiến này ở tất cả mọi quốc gia.
Và bước tiến của chúng ta đang ngày càng nhanh chóng hơn, với tốc độ chưa từng thấy – điều mà trước đây phải mất cả mười năm để thực hiện được thì nay có thể đạt được chỉ trong vòng một năm.
Giờ đây, khi chúng ta đã biết rằng việc mở rộng chương trình phòng chống HIV một cách nhanh chóng trên diện rộng là có thể thực hiện được, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Hỡi các bạn, chúng ta chỉ còn một ngàn ngày nữa thôi để thực hiện các mục tiêu toàn cầu về phòng chống AIDS đến năm 2015.
Bởi vậy ngày hôm nay, kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống AIDS, chúng ta hãy cùng nhau tái khẳng định cam kết thực hiện mục tiêu Ba không:
Không còn người nhiễm mới HIV;
Không còn người tử vong do AIDS;
Không còn kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS…”.
Trong khi đó, ngày 30/11 Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Mông Cổ, bà Sezin Sinanoglu cho biết, Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ Mông Cổ trong cuộc chiến chống HIV/AIDS.
Tại cuộc họp báo nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, bà Sezin Sinanoglu cho biết, những năm gần đây, các nước trên khắp thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm số ca mắc HIV/AIDS. Báo cáo về bệnh AIDS năm 2012 của Chương trình Phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) cho thấy, tỷ lệ mắc mới đã giảm hơn 25% tại 25 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tại hơn một nửa số nước châu Phi.
Tuy nhiên, các nước ở Đông Âu, Trung Á lại tăng số ca mắc và tử vong. Mông Cổ vốn là quốc gia mà bệnh AIDS chưa phổ biến nhưng hiện đang có xu hướng tăng nhanh về số người bị lây nhiễm mới. Chính phủ Mông Cổ đang đầu tư thêm ngân sách cho các chương trình phòng chống AIDS, cải thiện môi trường pháp lí trong việc bảo vệ quyền của bệnh nhân HIV/AIDS và cung cấp dịch vụ cho những nhóm có nguy cơ cao.
** Các nước ở miền nam châu Phi cần giảm phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, thay vào đó nên chuyển sang phương án dùng chính ngân sách quốc gia để cuộc chiến chống HIV/AIDS được hiệu quả, bền vững hơn.
Ngày 30/11, phát biểu tại một diễn đàn nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, ông Tomas Salomao, Thư ký điều hành Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi cho rằng, phần lớn các nước miền Nam châu Phi trông chờ vào viện trợ nước ngoài trong các chương trình phòng chống AIDS, và khi xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, lập tức nguồn kinh phí hoạt động bị giảm sút. Hai năm qua, chính sự lệ thuộc này khiến một số nước gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các chương trình phòng chống HIV/AIDS.
Theo thống kê chính thức của Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi, khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch HIV/AIDS. Các nước miền Nam châu Phi chỉ chiếm 4% dân số thế giới nhưng chiếm tới 40% số ca mắc HIV trên toàn cầu. Đây cũng là khu vực có 2 quốc gia mà tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới: Swaziland và Botswana.
Một quan chức Bộ Y tế Botswana cho rằng, các nước châu Phi cần có chiến lược đầu tư từ chính nội lực của mình. Năm 2001, tại Hội nghị của Liên minh châu Phi diễn ra tại Nigeria, các nước thành viên cam kết phân bổ ít nhất 15% ngân sách quốc gia cho y tế. 10 năm sau, phần lớn các nước thành viên không thực hiện đúng cam kết./.