Thủ tướng Áo đề xuất một Hiệp ước Lisbon mới cho EU
VOV.VN - Thủ tướng Áo cho rằng, EU cần một hiệp ước mới để thích ứng tốt hơn với những thách thức mà châu lục đang phải đối mặt.
Thủ tướng Áo - Sebatstian Kurz vừa đưa ra lời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) nên có một Hiệp ước Lisbon mới để giải quyết nhiều thách thức nảy sinh mà liên minh phải đối mặt trong một thập kỷ qua.
Trả lời phỏng vấn báo chí Áo số ra ngày 4/5, Thủ tướng Áo nói rằng kể từ khi có hiệu lực từ năm 2009, đến nay Hiệp ước Lisbon về Liên minh châu Âu không còn phù hợp trong bối cảnh có quá nhiều vấn đề lớn nảy sinh trong lòng châu Âu.
Thủ tướng Áo Sebastien Kurz. Ảnh: Azvision. |
Liệt kê những thách thức chính bao gồm khủng hoảng nợ, khủng hoảng khu vực đồng Eurozone, khủng hoảng người di cư, vấn đề biến đổi khí hậu hay sự chia tay của nước Anh, ông Sebatstian Kurz cho rằng EU cần một hiệp ước mới để thích ứng tốt hơn với những thách thức mà châu lục đang phải đối mặt.
Theo Thủ tướng Sebatstian Kurz, một hiệp ước mới phải có điểu khoản trừng phạt rõ ràng đối với các thành viên nào vướng vào cảnh nợ nần, cho phép người di cư vào lãnh thổ mà bỏ qua bước đăng ký, hay vi phạm nguyên tắc cơ bản của khối như pháp quyền hoặc dân chủ.
Ông cũng kêu gọi các cơ quan định chế của khối cần tinh giản theo hướng gọn nhẹ, trong đó ông gợi ý giảm quy mô của Ủy ban châu Âu thông qua chấm dứt việc mỗi quốc gia thành viên bổ nhiệm một ủy viên như hiện nay mà thay vào đó là quá trình đề cử để tạo sự công bằng. Ông cũng gợi ý Brussels sẽ là nơi họp nghị sự của các nghị sĩ châu Âu thay vì hai nơi là Brussels của Bỉ và Strasbourg của Pháp như hiện nay.
Dù lên tiếng ủng hộ cải cách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, người đứng đầu chính phủ Áo không đồng tình với ý tưởng thành lập một quân đội riêng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra trước đó, mà thay vào đó, ông cho rằng EU nên tăng cường hợp tác quân sự và quốc phòng thì hơn.
Được thông qua năm 2007, nhưng phải 2 năm sau Hiệp ước Lisbon hay còn gọi là hiệp ước cải cách Liên minh châu Âu mới có hiệu lực. Đây là văn bản pháp lý nhất thể hóa hai hiệp ước trước đó là Hiệp ước Maastricht về Liên minh châu Âu và Hiệp ước Rome về chức năng của Liên minh châu Âu./.
Người dân Séc hài lòng với tư cách thành viên EU