Thủ tướng Campuchia lên facebook thu hút sự ủng hộ của thế hệ trẻ
Thủ tướng Hun Sen cần sự ủng hộ mạnh mẽ của thế hệ trẻ trong cuộc bỏ phiếu chọn người lãnh đạo Campuchia trong cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2018.
Ông Hun Sen lãnh đạo Campuchia từ khi nước này thoát khỏi chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ. Vị thủ tướng 63 tuổi này từng tuyên bố sẽ tiếp tục làm Thủ tướng đến năm ông 74 tuổi.
Khai thác sức mạnh Facebook
Theo giới quan sát, Thủ tướng Hun Sen cần sự ủng hộ mạnh mẽ của thế hệ trẻ - những người thích công nghệ và lá phiếu của họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chọn người lãnh đạo Campuchia trong cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2018.
Khoảng 2/3 trong tổng số 15 triệu dân Campuchia dưới 30 tuổi. Cũng giống như những nơi khác trên thế giới, họ thích dùng mạng xã hội - thứ mà Thủ tướng Hun Sen đến mãi gần đây vẫn nhìn nhận với sự nghi ngờ. Năm 2013, nhiều cử tri trẻ Campuchia bỏ phiếu cho đảng đối lập vì không hài lòng với một số vấn đề trong chính quyền của Thủ tướng Hun Sen.
Vài tháng gần đây, ông Hun Sen cho triển khai chiến dịch đưa ông lên mạng xã hội bằng nhiều công cụ truyền thông mới. Ông vừa cho khai trương một ứng dụng “Hun Sen” cho điện thoại chạy hệ điều hành Android và iOS, bổ sung một trang web cá nhân mới, để người dân “nhận thông tin về tôi nhanh hơn”.
Trang Facebook chính thức của Thủ tướng Hun Sen mới ra đời từ tháng 9 năm ngoái nhưng đã nhận được hơn 1,9 triệu lượt “thích” (like). “Dù công nghệ đi đâu, chúng ta cũng phải ở đó”, ông Hun Sen nói. Ông cũng tiết lộ trong một status rằng, ông mang theo 5 chiếc điện thoại thông minh để luôn giữ kết nối với người dân. Lãnh đạo đối lập Sam Rainsy thuộc đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) lâu nay luôn sử dụng mạng xã hội để lan truyền các thông điệp.
Giới phân tích nhận xét, khi kỳ bầu cử mới sắp đến, trận chiến quyền lực có vẻ đã chuyển một phần lên mạng xã hội. Một số ý kiến cho rằng, mạng xã hội đang giúp Thủ tướng Hun Sen trở nên gần gũi hơn với người trẻ Campuchia. Kea Ny, một sinh viên đại học 26 tuổi, cho biết, nhiều bạn học của anh đã thay đổi thái độ từ khi Thủ tướng mở trang Facebook. “Trong 10 bạn của tôi thì có 7 người đang ủng hộ ông ấy. Trước đó họ đều có suy nghĩ không tích cực về Thủ tướng”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời Ny.
“Like” ầm ầm
Tháng 11 vừa năm ngoái, trang Facebook của Thủ tướng Hun Sen truyền trực tiếp hình ảnh Thủ tướng ra ngoài để gọi điện thoại. Lúc đó, dường như không biết đang được quay phim, khoảng 90 giây sau, ông quay trở lại và nói rằng người dân Campuchia không phải lo lắng về sự cố mất điện trên cả nước. Đoạn phim này nhận được 25.000 lượt like, 210.000 lượt xem chỉ trong 10 giờ, hãng thông tấn Đức DPA đưa tin.
“Những người thay đổi cuộc chơi chính trị trong đợt bầu cử năm 2018 là những người dùng Facebook và cũng là cử tri mới”, DPA dẫn lời ông Ou Ritthy - đồng sáng lập viên của mạng lưới chính trị trẻ Politikoffee. “Tôi nghĩ ông Hun Sen đang làm rất tốt với những đoạn phim trên Facebook để đến với người trẻ”, ông Ritthy nói.
Trang Facebook chính thức của Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh chụp màn hình
Theo số liệu của chính phủ Campuchia và của Facebook, Campuchia có khoảng 5 triệu thuê bao internet, tương đương 30% dân số, trong đó có 3 triệu tài khoản Facebook. Theo kết quả nghiên cứu gần đây của USAID, Asia Society và Open Institute, tin tức trên mạng và Facebook đã thay thế radio trở thành nguồn tin quan trọng thứ hai sau truyền hình ở Campuchia.
“Tôi nghĩ Thủ tướng đã hiểu nhiều người trẻ Campuchia giờ không còn bật TV hay nghe những bài diễn thuyết rất dài của ông ấy tại các sự kiện nữa”, DPA dẫn lời ông Ou Virak, nhà tư vấn chính trị Campuchia, sáng lập viên của tổ chức tư vấn độc lập Future Forum. “Tôi nghĩ đây là cách thích hợp hơn để ông ấy lan truyền những thông điệp của mình”, ông Virak nhận định./.