Thủ tướng Estonia: NATO phải cân nhắc mọi lựa chọn để giúp Ukraine đánh bại Nga
VOV.VN - Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho rằng các nhà lãnh đạo NATO nên cân nhắc "mọi thứ" khi thảo luận về cách thức ngăn cản Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Bà Kallas đưa ra tuyên bố trên trong cuộc trả lời phỏng vấn với Politico khi được hỏi về những nhận định gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng phương Tây đưa quân vào Ukraine.
Không có quốc gia phương Tây nào cam kết đưa quân tới Ukraine và Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã tuyên bố việc phương Tây đưa quân vào cuộc xung đột này sẽ dẫn đến cuộc đối đầu trực tiếp không thể tránh khỏi giữa NATO và Nga.
Phát biểu với báo giới ngày 26/2, Tổng thống Macron cho biết "không điều gì bị loại trừ" về việc hỗ trợ Ukraine "ngăn cản Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột này". Bà Kallas cũng nhất trí với quan điểm của Tổng thống Pháp và nói rằng các nhà lãnh đạo phương Tây nên khám phá mọi con đường có thể để hỗ trợ Kiev.
"Tôi nghĩ đây cũng là những dấu hiệu chúng tôi gửi tới Nga, rằng chúng tôi không loại trừ các lựa chọn khác nhau. Bởi vì tất cả các nước đều hiểu rằng chúng tôi phải làm mọi thứ để Ukraine thắng và Nga thua trong cuộc xung đột này", bà Kallas nói.
Bà cũng đưa ra những bình luận tương tự trong một cuộc trả lời phỏng vấn khác với tạp chí Stern của Đức xuất bản ngày 29/2.
"Chúng ta không nên sợ hãi sức mạnh của chính mình và không nên đánh giá quá cao sức mạnh của Nga. Nỗi sợ leo thang khiến chúng ta tự thu mình lại. Điều đó là sai lầm".
Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố của ông Macron, một số quan chức của các nước thành viên NATO cho biết họ không ủng hộ việc đưa quân tới Ukraine, bao gồm Anh, Đức, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha và Hungary.
Ngày 27/2, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng khẳng định trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng rằng Tổng thống Joe Biden đã "rất rõ ràng" trong lập trường đưa quân Mỹ hoặc quân đội NATO tới Ukraine. Tuy nhiên, ông cho biết khả năng Pháp và các nước NATO khác điều quân tới Ukraine là quyết định mang tính chủ quyền mà mỗi nước NATO tự mình đưa ra.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phủ nhận một động thái như vậy trong tương lai gần.
"Các nước NATO đang cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine. Chúng tôi đã làm điều đó từ năm 2014 và tăng cường sau khi cuộc xung đột năm 2022 nổ ra. Tuy nhiên, không có kế hoạch đưa quân đội NATO tới chiến đấu trên thực địa ở Ukraine", ông Stoltenberg nói với AP.