Thủ tướng Israel chơi nước cờ mạo hiểm trước thềm bầu cử
VOV.VN - Một tuần trước bầu cử Quốc hội (17/9), Thủ tướng Israel Netanyahu công khai kế hoạch sáp nhập thung lũng Jordan, tại Bờ Tây nếu ông tái đắc cử.
Động thái không chỉ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế, mà còn gây tranh cãi ngay trong chính nội bộ Israel. Nước cờ có phần mạo hiểm này cho thấy Nhà lãnh đạo Israel dường như quyết “sống mái một phen” nhằm giành thắng lợi trong cuộc bầu cử “mang tính sống còn” đối với sự nghiệp chính trị của ông.
Khu Bờ Tây. Ảnh: AFP. |
Tràn ngập trên các mặt báo Israel là hình ảnh Thủ tướng Netanyahu sáng qua buộc phải dừng buổi vận động tái tranh cử tại thị trấn Ashdod sau khi tiếng còi báo động tên lửa phóng đến từ Dải Gaza vang lên. Chiều cùng ngày, tiếp tục có thêm hàng loạt quả đạn súng cối nữa được phóng đi về phía lãnh thổ Israel, song không gây thiệt hại về người. Những vụ phóng rocket này được xem là nhằm đáp trả ý định của ông Netanyahu sáp nhập một phần lớn diện tích Bờ Tây về Israel một khi tái đắc cử.
Ý định “thôn tính” Bờ Tây của Israel không phải là mới, mà thậm chí còn nhận được sự ủng hộ của không chỉ các đảng cánh hữu thân với đảng Likoud của ông Netanyahu, mà còn cả từ phía một số đảng đối lập. Tuy nhiên, thời điểm công bố kế hoạch, một tuần trước bầu cử, lại khiến nhà lãnh đạo Israel hứng chịu những chỉ trích. Đây là lần đầu tiên ông công khai kế hoạch sáp nhập cụ thể, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Palestine và các nhà lãnh đạo Hồi giáo.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Israel Betzelel Smotrich, nhân vật số hai của Liên minh các đảng cánh hữu đặt câu hỏi: “Tại sau phải nói đến vấn đề sáp nhập trước bầu cử 1 tuần, trong khi Chính phủ có thể quyết định thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào nếu muốn và thậm chí là ngay hôm nay? Ông Yair Lapid, thuộc đảng trung dung “Xanh- trắng”, đang bám đuổi sát nút vị trí đứng đầu với đảng Likoud trong các cuộc thăm dò thì cho rằng, điều ông Netanyahu thực sự muốn là thôn tính phiếu bầu, chứ không phải là thung lũng Jordan.
Ông Maher Al Taher, trưởng phòng chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Palextin nhấn mạnh: “Đây không phải là một điều gì đó mới hay đáng ngạc nhiên đối với Palextin. Có một kế hoạch rõ ràng được Mỹ ủng hộ nhằm chấm dứt cuộc đấu tranh của người Palestine và toàn quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ của Palestine".
Chỉ trích tuyên bố này là một bước leo thang nguy hiểm, Saudi Arabia hôm qua (11/9) yêu cầu một cuộc họp khẩn của Ngoại trưởng 57 nước thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ra thông cáo nêu rõ, việc sáp nhập một phần Bờ Tây sẽ là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, làm lu mờ triển vọng nối lại đàm phán, khôi phục hòa bình khu vực và làm hủy hoại giải pháp 2 nhà nước. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo, điều này có thể dẫn tới một sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng.
Báo chí Israel cũng đón nhận tuyên bố của ông Netanyahu một cách đầy lo ngại. Nhật báo bán chạy hàng đầu Israel Yediot Aharonot bình luận, những tuyên bố “kiêu ngạo” về việc sáp nhập các vùng lãnh thổ và quyết định đặt niềm tin tuyệt đối vào một vị Tổng thống Mỹ sẽ không cho phép giải quyết những vấn đề thực sự của Israel.
Thủ tướng Israel cho biết, ông muốn tiến hành sáp nhập ngay lập tức sau khi tái đắc cử, để có thể mau chóng tận dụng được những thành quả của bản kế hoạch hòa bình thế kỷ cho Trung Đông, mà chính quyền Tổng thống Mỹ Trump dự kiến công bố ngay sau cuộc bầu cử Quốc hội ở Israel. Thế nhưng, chỉ vài phút sau tuyên bố, Tổng thống Trump thông báo trên Twitter việc sa thải cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu John Bolton, vốn được coi là một đồng minh của Israel và ủng hộ đường lối cứng rắn đối với Iran.
Tờ Maariv dẫn lời chuyên gia bình luận chính trị có ảnh hưởng Ben Caspit cho rằng, Tổng thống Trump đã ngừng hợp tác với ông Netanyahu vào thời điểm quan trọng nhất đối với nhà lãnh đạo này. Việc sáp nhập thung lũng Jordan sẽ gây ảnh hưởng tới các mối quan hệ của Israel với thế giới Arab nói chung và đặc biệt là các nước vùng Vịnh./.