Thủ tướng Israel thăm Mỹ cam kết thúc đẩy hòa bình Trung Đông
VOV.VN - Hơn một năm sau cuộc gặp gần nhất và bốn tháng không có các cuộc điện đàm, ngày 9/11, Thủ tướng Israel đã có chuyến thăm Mỹ.
Trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Tại cuộc gặp, 2 nhà lãnh đạo đã tìm cách thu hẹp bất đồng xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran và cùng làm việc về một gói hỗ trợ quân sự mới của Mỹ cho Israel.
Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Obama thừa nhận hai bên đã có những bất đồng nhất định trong việc ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran vừa qua, song khẳng định, vấn đề an ninh của Israel là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng năm 2013. (ảnh: AP). |
Ông Obama cũng bày tỏ lo ngại trước bất ổn đang có xu hướng gia tăng trong khu vực và mong muốn thảo luận với người đứng đầu chính phủ Israel về khả năng nối lại các vòng đàm phán hòa bình sau những căng thẳng gần đây giữa người Israel và Palestine.
“Chúng ta có cơ hội thảo luận những lo ngại về tình trạng xung đột giữa Israel và Palestine. Tôi đã đề cập với Thủ tướng Israel về cách giảm căng thẳng giữa Israel và Palestine, cách thức để hai bên trở lại con đường hòa bình, đáp ứng nguyện vọng chính trị của người Palestine và cả cách để Israel có thể đảm bảo được an ninh”, ông Obama cho biết.
Trước những động thái tích cực từ đồng minh chiến lược Mỹ, Thủ tướng Netanyahu khẳng định, ông vẫn chưa từ bỏ các nỗ lực tìm kiếm hòa bình với người Palestine: "Tôi muốn nói rõ rằng, chúng tôi sẽ không từ bỏ hy vọng đối với hòa bình. Tôi vẫn giữ cam kết về viễn cảnh hòa bình với 2 nhà nước vì nhân dân Israel và Palestine. Một nhà nước phi quân sự Palestine và một Nhà nước Do thái được công nhận tại Israel. Không ai nên nghi ngờ thiện chí của Israel muốn có hòa bình với các nước láng giềng”.
Ông Netanyahu cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ bền vững giữa hai đồng minh Mỹ và Israel trong việc chia sẻ các lợi ích và giá trị chung.
Vấn đề hạt nhân Iran cũng được hai nhà lãnh đạo thảo luận trong cuộc gặp lần này, cùng với thỏa thuận viện trợ quân sự của Mỹ mà Israel kỳ vọng sẽ được nâng lên 5 tỷ USD mỗi năm trong vòng 10 năm (tổng giá trị 50 tỷ USD) so với 3 tỷ 100 triệu USD hàng năm hiện nay.
Ngoài ra, các bên cũng hy vọng sẽ đạt được các thỏa thuận liên quan đến việc chuyển giao thêm máy bay chiến đấu F-35 hiện đại, cùng các thiết bị quân sự có độ chính xác cao, cũng như cơ hội để Israel sở hữu loại máy bay đa năng V-22 Osprey của Mỹ.
Mặc dù cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Israel được đánh giá là ít đột phá song trên thực tế, cuộc gặp giữa ông Obama và ông Netanyahu được xem là một bước tiến quan trọng. Quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này vốn lâu nay không mấy mặn mà và sự lạnh nhạt được đẩy lên cao hồi đầu năm nay khi ông Obama quyết tâm theo đuổi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà Israel cho là một thất bại.
Ông Netanyahu luôn xem chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa hiện hữu với Israel và cho rằng, thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi đầu năm nay đang tạo điều kiện cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân./.