Thủ tướng Nhật lên tiếng về “vùng phòng không” Trung Quốc
VOV.VN - Trong khi đó, báo chí Trung Quốc đã dùng những lời lẽ nặng nề để đáp trả cơn phẫn nộ của Nhật Bản về vùng phòng không.
Người đứng đầu nội các Nhật Bản tuyên bố vào hôm 25/11 rằng tuyên bố của Trung Quốc về 1 khu vực nhận diện phòng không bao gồm cả quần đảo tranh chấp là “nguy hiểm một cách sâu sắc”.
Ông Shinzo Abe cảnh báo như trên sau khi Washington nói rằng họ sẽ đứng bên ông trong trường hợp xảy ra đụng độ quân sự ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Vùng phòng không (trên Biển Hoa Đông) mà Trung Quốc tuyên bố lập nên (ảnh: AFP) |
Phát biểu trước nghị viện, ông Abe nói: “tôi vô cùng quan ngại vì đó là 1 hành động nguy hiểm sâu sắc có thể gây ra những hậu quả không mong muốn”.
Ông Abe nói tiếp: “Nhật Bản sẽ yêu cầu Trung Quốc kiềm chế trong lúc chúng tôi tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế”.
Đây là những bình luận đầu tiên từ Thủ tướng Nhật về vấn đề trên kể từ khi Bắc Kinh tuyên bố vào ngày 23/11 rằng Trung Quốc sẽ yêu cầu tất cả các phi cơ bay qua 1 vùng trên Biển Hoa Đông phải tuân theo chỉ dẫn của họ.
Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, bao hàm cả vùng biển mà Đài Bắc và Seoul tuyên bố thuộc về mình, đã khiêu khích cả 2 chính quyền này.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok thì coi đó là “điều đáng tiếc”.
Một phần trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chồng lấn với vùng phòng không của chính Hàn Quốc và bao gồm cả một mỏm đá chìm do Hàn Quốc kiểm soát có tên Ieodo – từ lâu gây căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh.
Ông Kim tái khẳng định vào hôm 25/11 rằng “chúng tôi có quyền lãnh thổ không thay đổi đối với Ieodo”.
Trong khi đó, bộ ngoại giao Nhật Bản nói họ không tôn trọng cách phân giới của Trung Quốc và cho rằng cái đó không có giá trị hiệu lực ở Nhật Bản.
Giới quan sát nhận định sự hiện diện thường xuyên của cơ quan quân sự và bán quân sự của cả Nhật Bản và Trung Quốc ở khu vực Biển Hoa Động làm tăng nguy cơ 1 tính toán nhầm hoặc 1 va chạm có thể nhanh chóng leo thang thành xung đột, lôi kéo cả Mỹ vào cuộc.
Một lần 2 tàu Nhật Bản kẹp 1 tàu cá Trung Quốc xâm nhập |
Cũng hôm 25/11, báo chí Trung Quốc đã dùng những lời lẽ nặng nề để đáp trả cơn phẫn nộ của Nhật Bản về vùng phòng không.
Tờ Global Times, 1 ấn phẩm thuộc Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng xã luận có đoạn khẳng định “Tokyo là đạo đức giả và trơ trẽn trong các phàn nàn của mình với Bắc Kinh”.
Tờ báo tố Nhật Bản áp dụng tiêu chuẩn kép khi chính nước này cũng có vùng phòng không cách Nga có 50km và cách Trung Quốc 130km.
Hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới có quan hệ thương mại chặt chẽ nhưng mối quan hệ chính trị giữa 2 bên bị ảnh hưởng nặng nề bởi lịch sử.
Bắc Kinh khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc về họ trong hàng trăm năm và đã bị Tokyo cướp trong quá trình bành trướng ảnh hưởng ở châu Á, bao gồm việc xâm lược Trung Quốc trong quá khứ.
Trong khi đó, Tokyo tuyên bố Bắc Kinh chỉ mới tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này sau khi người ta phát hiện có dầu ở đáy biển gần đó vào những năm 1960./.