Thủ tướng Pháp công bố chính sách tổng thể, kêu gọi đoàn kết chính trị
VOV.VN - Gần 1 tháng sau khi được bổ nhiệm, Thủ tướng Pháp Barnier hôm 1/10 đã ra mắt Quốc hội và có bài phát biểu đầu tiên công bố chính sách tổng thể với các ưu tiên thuế khoá, cải cách hưu trí, an ninh và nhập cư... Đây cũng được coi là bài diễn văn quan trọng mang tính sống còn đối với chính phủ thiểu số của tân Thủ tướng Pháp.
Tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier và chính phủ mới ngày 1/10 đã có lần đầu tiên ra mắt trước toàn thể 577 nghị sĩ Quốc hội Pháp. Bất chấp phản ứng từ các nghị sĩ thuộc đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” (LFI), Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã có bài phát biểu vạch ra những định hướng chính trị trọng tâm trong thời gian tới.
Theo đó, người đứng đầu chính phủ Pháp sẽ ưu tiên hàng đầu việc hạ mức thâm hụt ngân sách được dự báo sẽ lên đến 6% trong năm 2024 xuống còn 3% vào năm 2029 để phù hợp với quy định của Liên minh châu Âu (EU). Để đạt được mục tiêu trên, chính phủ mới sẽ thắt chặt dự luật ngân sách thông qua cắt giảm các khoản chi tiêu công, tăng cường chống gian lận thuế, gian lận phúc lợi xã hội và tính toán tăng thuế đối với các doanh nghiệp lớn và người giàu.
Ưu tiên tiếp theo của chính phủ mới là “nối lại đối thoại xã hội” về luật cải cách hưu trí được thông qua vào tháng 4/2023 theo hướng điều chỉnh mức lương hợp lý, công bằng đối với những ngành nghề lao động cực nhọc, đảm bảo bình đẳng nam nữ hay thâm niên công tác.
Về hồ sơ “nóng” nhập cư, Thủ tướng Pháp cho biết sẽ tăng thời hạn giam giữ đối với những trường hợp bất hợp pháp để thực thi lệnh trục xuất hiệu quả hơn, đồng thời hạn chế cấp thị thực đối với các quốc gia từ chối tiếp nhận lại công dân của mình bị trục xuất.
Trong vấn đề an ninh, chính phủ sẽ đề nghị giảm thời gian xét xử, tăng số lượng án tù ngắn hạn đối với một số tội danh, xây dựng thêm các nhà giam mới khi số tù nhân ở Pháp đạt kỷ lục mới vào đầu tháng 9/2024 với 78.969 trường hợp.
Thủ tướng Pháp cũng đặt ra một số mục tiêu lớn khác như tăng mức lương tối thiểu (Smic) thêm 2% từ tháng 11/2024, xem xét điều chỉnh luật bầu cử Quốc hội, hoãn sửa đổi Hiến pháp về vấn đề bầu cử tại lãnh thổ hải ngoại New Caledonia, đưa quyền nạo phá thai và hôn nhân đồng giới vào Hiến pháp, thúc đẩy vấn đề sức khoẻ tinh thần trong năm 2025, tổ chức đối thoại xã hội về chủ đề “cái chết nhân đạo”…
Trong phần kết, Thủ tướng Pháp kêu gọi sự đoàn kết chính trị trong bối cảnh Quốc hội Pháp chia làm 3 phe lớn như hiện nay: “Tôi ý thức được những khó khăn đang chờ đợi mình nhưng tin tưởng chúng ta có thể cùng nhau vượt qua những bất đồng để mang lại hy vọng cho người dân Pháp. Chìa khóa đang trong tay các bạn. Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói là hãy vì nền Cộng hoà của chúng ta, nó đang trong tình thế mong manh”.
Trong phản ứng đưa ra, Liên minh cánh tả “Mặt trận bình dân mới (NFP), nhất là đảng LFI, tiếp tục cho rằng Thủ tướng Michel Barnier là sự chọn phi dân chủ của Tổng thống Emmanuel Macron khi phớt lờ kết quả bầu cử Quốc hội tháng 7/2024 với phần thắng thuộc về cánh tả, đồng thời khẳng định sẽ đề xuất cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ mới.
Về phần mình, đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN), lực lượng được cho là nắm “quyền phán quyết”, cho rằng chính sách tổng thể thiếu các giải pháp thực hiện nhưng tuyên bố trước mắt sẽ không ủng hộ bỏ phiếu bất tín nhiệm và dành cho chính mới cơ hội thực hiện những cam kết. Tuy nhiên, lãnh đạo nhóm các nghị sĩ đảng RN bà Marine Le Pen đã đặt ra “giới hạn đỏ” với Thủ tướng Michel Barnier: “Giới hạn đỏ của chúng tôi là ngay trong quý 1 năm 2025, chính phủ mới phải đưa ra một luật nhập cư mới, siết chặt hơn với tối thiểu các điều khoản đã được Hội đồng Hiến pháp kiểm duyệt vào tháng 12/2023”.