Thủ tướng Thái Lan tuyên bố không từ chức

Tuyên bố của ông Somchai đưa ra trong khi một cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra tại thủ đô Bangkok yêu cầu ông từ chức.  

8 giờ sáng 24/11, hàng chục nghìn người biểu tình đã kéo từ khu vực quanh Tòa nhà chính phủ tới bao vây trụ sở Quốc hội Thái Lan ở Bangkok, trong hành động mà họ gọi là "trận chiến cuối cùng" nhằm lật đổ chính phủ của Thủ tướng Somchai và ngăn cản không cho Quốc hội Thái Lan họp thông qua đề nghị sửa đổi Hiến pháp. Dẫn đầu đoàn biểu tình là hàng trăm người ủng hộ PAD mặc trang phục đen và cầm dùi cui. Những người biểu tình mang theo mặt nạ và nước đề phòng cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán.

PAD cũng tuyên bố sẽ huy động lực lượng biểu tình bao vây nhiều địa điểm công cộng quan trọng khác tại Bangkok, trong đó có sân bay Don Muang, nơi đang được dùng làm trụ sở tạm của Chính phủ Thái Lan. Đến lúc này, lực lượng biểu tình đã cắt nguồn cung cấp điện, nước cho Trụ sở Quốc hội; nhiều công sở trường học xung quanh khu vực biểu tình của Liên minh nhân dân vì dân chủ phải tạm thời đóng cửa.

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Lima của Peru ngày 23/11, Thủ tướng Thái Lan Somchai Vongsavat tuyên bố không có ý định từ chức. Phát biểu sau khi tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương, tại Peru, ông Somchai nhấn mạnh: “Chúng tôi cầm quyền thông qua các cuộc bầu cử dân chủ, vì vậy, tôi không nghĩ tới việc từ chức. Tôi sẽ kiềm chế tối đa. Chúng tôi phải đối thoại và nỗ lực tìm cách hoà giải".  

Ông Somchai cho biết thêm, quân đội Thái Lan đã nhiều lần loại bỏ khả năng xảy ra đảo chính và ông thấy không cần thiết phải có biện pháp mạnh tay hơn để dẹp những người biểu tình.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thái Lan Chaovarat Charnveerakul, hiện đang là quyền Thủ tướng, đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt của Nội các sau khi Chủ tịch Hạ viện Chai Chidchob hoãn cuộc họp chung giữa các Nghị sĩ và Thượng nghị sĩ vào sáng nay.

Ông Chai cho biết cuộc họp không thể bắt đầu do người biểu tình phong tỏa tòa nhà Quốc hội để ngăn chặn các nhà lập pháp xem xét các sửa đổi hiến pháp.

Lúc 3h chiều nay, ông Chai và Tư lệnh lục quân, tướng Anupong Paojinda,  tổ chức một cuộc họp báo tại sân bay Don Muang. Hai người được cho là sẽ nói về việc người biểu tình bao vây tòa nhà Quốc hội vào buổi sáng.

Trong một diễn biến đáng lo ngại khác, sáng sớm 24/11, tại khu vực Banglampoo ở Bangkok đã xảy ra ba vụ nổ lựu đạn gần văn phòng của Đài truyền hình ASTV. Đây là đài truyền hình vệ tinh, do ông Sondi và PAD đồng tài trợ. Những vụ nổ này không gây thương vong. Nhiều trường học ở thủ đô đã phải tạm đóng cửa trong ngày 24/11.

** Đảng PPP cầm quyền trước khả năng bị giải thể

Tình trạng khủng hoảng trên chính trường Thái Lan tiếp tục diễn biến xấu với khả năng đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền có thể bị giải thể, trong khi đường phố thủ đô Bangkok rối loạn bởi cuộc biểu dương lực lượng của phe đối lập đứng đầu là Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) nhằm lật đổ chính phủ của Thủ tướng Somchai Wongsawat.

Tòa án Hiến pháp Thái Lan sẽ mở phiên tòa vào ngày 26/11 để quyết định số phận của PPP cùng hai đảng khác trong liên minh cầm quyền là Chart Thai và Matchima. Ba đảng này bị cáo buộc gian lận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12/2007, nếu bị tòa phán quyết vi phạm, các đảng này sẽ bị giải thể và các nhà lãnh đạo đảng sẽ bị cấm hoạt động chính trị. Nguồn tin tại chỗ cho biết nhiều khả năng Tòa án Hiến pháp sẽ đưa ra phán quyết vào đầu năm tới, thậm chí có thể sớm hơn, vào cuối năm nay.

Đã có những kịch bản được đưa ra về trường hợp ba đảng trên bị giải thể, trong đó kịch bản được nói đến nhiều hiện nay là phe chống cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra sẽ thực hiện một chương trình hành động để "đảo chính một cách hợp pháp". Trong thời gian chuyển tiếp 60 ngày sau khi PPP bị giải thể, một Hội đồng tối cao sẽ được thành lập để nắm quyền và chỉ định một nội các lâm thời. Một nguồn tin từ PAD cho rằng khả năng này đã được thảo luận giữa các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp, Tòa án tối cao và Tòa án Hành chính./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên