Thúc đẩy chiến lược chung cho công nghiệp quốc phòng của EU
VOV.VN - Theo truyền thông phương Tây, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen sẽ sớm đưa ra một chiến lược chung cho ngành công nghiệp quốc phòng của EU, nhằm tăng cường sản xuất quân sự và cung cấp vũ khí.
Tuần trước, một trong những nội dung được nhấn mạnh trong Hội nghị An ninh Munich là vấn đề an ninh phòng thủ của châu Âu. Lãnh đạo nhiều quốc gia đã kêu gọi gia tăng năng lực phòng thủ, đẩy mạnh đầu tư cho công nghiệp quốc phòng cho châu Âu với một chiến lược hoàn toàn mới nhằm đảm bảo các vấn đề an ninh của châu lục.
Các quốc gia trong EU tăng cường chi tiêu cho quân sự
Trong một bài phỏng vấn mới đây trên truyền thông châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen, người vừa tuyên bố ý định tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, đã nhắc lại mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ và tích cực hơn nữa giữa các quốc gia EU về chi tiêu quân sự. Trên tờ Euronews, bà khẳng định châu Âu cần củng cố các cơ sở công nghiệp quốc phòng của chính mình.
Kể từ khi cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine cũng như các mối đe dọa an ninh từ các khu vực khác, các quốc gia thành viên EU đã tăng đáng kể chi tiêu quân sự của mình, trong đó Ba Lan là quốc gia vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng chi tiêu quân sự của NATO vào năm 2023, với mức chi tiêu lên tới xấp xỉ 4%. Tiếp đó là một số các quốc gia khác như Đức, Pháp, Hy Lạp, Phần Lan, Lít-va… có mức chi tiêu tăng kỷ lục so với năm trước. Chi tiêu quốc phòng ở nhiều quốc gia châu Âu tiếp tục được thúc đẩy do căng thẳng gia tăng, nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm công nghệ hiện đại như máy bay không người lái (UAV) và hệ thống định vị toàn cầu (GPS)… Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia buộc phải thúc đẩy đang tích cực trang bị vũ khí để nâng cao năng lực phòng thủ và thúc đẩy hợp tác quân sự để đảm bảo an ninh quốc gia.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen chia sẻ với báo chí châu Âu, từ tổng số 240 tỷ euro cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2022, EU đã tăng lên 280 tỷ euro vào năm 2023 và dự kiến tài chính sẽ tăng lên 350 tỷ euro vào năm 2024. Tuy nhiên, bà cho rằng, các quốc gia EU cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn và bước đầu tiên để tăng cường sức mạnh của khối là chiến lược công nghiệp quốc phòng châu Âu mà Ủy ban châu Âu sẽ sớm được đưa ra.
Tìm kiếm sự đồng thuận cho chiến lược quốc phòng chung
Hiện tại, các chi tiết của kế hoạch này vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, một trong số các giải pháp khả thi cho tới lúc này là chương trình mua sắm vũ khí chung, tương tự như cách thức chương trình chung cho vắc xin Covid-19. Trong tương lai, khối này thậm chí có thể phát hành khoản nợ chung của châu Âu để tài trợ cho chi tiêu quân sự.
Giới chuyên gia nghiên cứu về các chính sách châu Âu cho rằng, đây sẽ là kế hoạch lớn nhưng không dễ thực hiện bởi cần được sự đồng thuận của các thành viên EU. Hiện tại, khối này vẫn chưa có bất kỳ thỏa thuận chính trị cụ thể nào giữa các quốc gia thành viên EU về việc mua sắm chung thiết bị quân sự từ các nước thứ ba hoặc các công ty tư nhân, do EU thay mặt cho các quốc gia thực hiện.
Trong một động thái liên quan, một số chính phủ EU đang bày tỏ sự ủng hộ kế hoạch này. Điển hình như Pháp là một trong những đầu tàu của EU, cho rằng các khoản đầu tư quân sự nên hướng tới các công ty châu Âu, thay vì mua hệ thống quân sự từ các nước khác. Mặt khác, dù có xu hướng ủng hộ quan điểm này, nhưng Hy Lạp và Cộng hòa Síp thể hiện rõ động thái loại trừ việc mua hàng từ ngành công nghiệp quân sự quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.
Có thể nói, nền tảng của chiến lược này là việc thành lập Ủy viên phụ trách về vấn đề Quốc phòng của Châu Âu, chịu trách nhiệm điều phối các chính sách quốc phòng và hỗ trợ ngành công nghiệp quân sự. Theo kế hoạch, trong vòng gần 3 tuần tới, Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra đề xuất chiến lược công nghiệp quốc phòng. Như vậy, Liên minh châu Âu đang tiến tới một bước đi lịch sử để thúc đẩy chi tiêu quốc phòng chung theo cách hiệu quả hơn trong tất cả thỏa thuận quốc phòng và hợp đồng mua sắm chung. Qua đó, xây dựng các chương trình nhằm tăng cường khả năng dự đoán và phối hợp về quân sự giữa các quốc gia cũng như thúc đẩy tương tác giữa các lực lượng vũ trang của mỗi nước thành viên EU để đảm bảo an ninh trong khu vực nói chung, các quốc gia nói riêng.