Thực hư thông tin Israel đưa công cụ AI vào xác định mục tiêu tấn công ở Gaza
VOV.VN - Một số nguồn tin quốc tế mới đây đã tiết lộ một thông tin về việc Israel đưa công cụ trí tuệ nhân tạo vào sử dụng để xác định các mục tiêu tấn công ở Gaza. Thông tin gây sốc này đã khiến dự luận không khỏi quan ngại bởi công nghệ này một mặt mang lại độ chính xác cao, mặt khác có thể gây sát thường hàng loạt.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 5/4 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các báo cáo cho rằng Israel đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định các mục tiêu tấn công ở Gaza. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo như một công cụ để xác định mục tiêu, đặc biệt là ở các khu dân cư đông dân sẽ dẫn đến thương vong của người dân ở mức cao. Ông cũng phản đối việc sử dụng các thuật toán lạnh lùng để quyết định việc sinh tử của các gia đình ở Gaza.
“Tôi cũng vô cùng lo lắng trước các báo cáo nói rằng chiến dịch ném bom của quân đội Israel sử dụng Trí tuệ nhân tạo như một công cụ để xác định mục tiêu, đặc biệt là ở các khu dân cư đông đúc, dẫn đến thương vong dân sự ở mức độ cao. Chúng ta không được phép đưa ra bất cứ quyết định sinh tử nào cho việc tính toán lạnh lùng các thuật toán. Trước đây, tôi đã từng cảnh báo về mối nguy hiểm của việc vũ khí hóa Trí tuệ nhân tạo và việc giảm vai trò thiết yếu của các công cụ do con người quản lý. AI nên được sử dụng như một công cụ tốt nhằm mang lại lợi ích cho thế giới, chứ không phải sử dụng để thục hiện chiến tranh ở cấp độ công nghiệp, làm mờ nhạt trách nhiệm giải trình”, ông Guterres nhấn mạnh.
Trước đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirbycũng xác nhận Mỹ cũng đang xem xét tin tức Israel sử dụng trí thông minh nhân tạo để xác định mục tiêu ném bom ở Gaza. Ông Kirby cho hay, Mỹ vẫn chưa thể xác thực được tính chính xác của nội dung này.
Trước đó, ngày 3/4, trang +972 Magazine and Local Callon dẫn nguồn từ các quan chức tình báo Israel tiết lộ chương trình Lavender do tình báo Israel phát triển và sử dụng, với năng lực xác định mục tiêu, xử lý nhanh chóng dữ liệu để chọn ra mục tiêu cho quân đội Israel ném bom. Trong chương trình, tình báo Israel nhập thông tin về các thành viên Hamas, phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine để đối chiếu với thông tin về người dân Gaza. Dựa trên mức độ tương đồng do AI xác định, hàng chục ngàn người sẽ bị đưa vào danh sách cần tiêu diệt. Ngay khi thông tin được đăng tải, quân đội Israel đã bác bỏ danh sách trên, nhưng không phủ nhận sự tồn tại của Lavender. Theo quân đội Israel, chương trình Lavender chỉ là công cụ dành cho các nhà phân tích trong quá trình xác định mục tiêu.
Theo đánh giá của giới phân tích, nếu thông tin mà các phương tiện truyền thông đưa ra là đúng, con số thương vong do xung đột ở Gaza sẽ tiếp tục tăng cao. Cho đến nay, sau hơn 6 tháng xảy ra xung đột ở Gaza, đã có hơn 33.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. Số liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy chỉ trong tháng đầu tiên của cuộc chiến, 1.340 gia đình đã chịu nhiều tổn thất, trong đó 312 gia đình mất hơn 10 thành viên.