Thượng đỉnh EU và Arab sẽ nóng bỏng tranh cãi về chủ đề nhập cư
VOV.VN - Trong hai ngày họp, dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ bàn về hợp tác giữa các bên trong việc giải quyết vấn đề người di cư bất hợp pháp sang châu Âu.
Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Liên đoàn Arab sẽ diễn ra tại Sharm el Sheikh, Ai Cập (24-25/2). Trong hai ngày họp, dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ bàn về hợp tác giữa các bên trong việc giải quyết vấn đề người di cư bất hợp pháp sang châu Âu. Cuộc gặp được tổ chức tại Ai Cập - quốc gia duy nhất ở khu vực Bắc Phi được đánh giá là đã ngăn chặn thành công những điểm xuất phát của người di cư hướng về châu Âu bằng đường biển. Đây sẽ là cơ hội để Ai Cập chia sẻ những kinh nghiệm của mình để kiểm soát dòng người nhập cư với các nước láng giềng.
Các nhà lãnh đạo EU và AL sẽ bàn về hợp tác giữa các bên trong việc giải quyết vấn đề người di cư bất hợp pháp sang châu Âu. |
Vấn đề người di cư, khủng bố hay xung đột ở Trung Đông không phải là chủ đề mới. Nó là một trong những mối quan tâm lớn của các nước trến thế giới, trong đó có các nước Châu Âu và Trung Đông, Châu Phi, Arab. Nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này được các bên liên quan đưa ra nhưng thực tế nó vẫn chưa hiệu quả, chưa như mong muốn của các nước. Khi thách thức trong vấn đề di cư, khủng bố hay xung đột ở Trung Đông ngày càng tăng và có thể nói là vẫn đề cấp thiết hiện nay thì việc khối EU và Arab tìm đến nhau, cùng ngồi vào bàn đàm phán ở cấp thượng đỉnh với nguyên thủ của 50 quốc gia trong đó có 22 nước Arab và 28 nước châu Âu là điều dễ hiểu. Điều đó cho thấy, các bên đang rất quan tâm và muốn cùng hợp tác giải quyết để đạt được hiệu quả.
Ai Cập là đồng minh thân cận và hợp tác hiệu quả với EU trong nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế tới an ninh. EU cũng nhận thấy rằng, Ai Cập có uy tín, vị thế ngày càng tăng và là chủ tịch Liên minh châu Phi 2019 là cơ hội tốt để gắn kết giữa EU với các nước Arab cũng như các nước Châu Phi và là cơ hội để cùng hợp tác giải quyết các mối quan tâm chung từ chính trị, an ninh và kinh tế cũng như các cuộc xung đột vũ trang ở khu vực Arab, cuộc chiến chống khủng bố, di cư, tị nạn và biến đổi khí hậu…
Liên minh châu Âu muốn thông qua hội nghị thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên giữa hai khối nhằm tăng cường quan hệ Arab, tập trung vào một số vấn đề và thách thức chung, trong đó quan trọng nhất là chủ nghĩa đa phương. Mục tiêu chung là phát triển hợp tác chặt chẽ hơn để thực hiện hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở hai khu vực. Nhiều nhà lãnh đạo EU bày tỏ lạc quan về sự thành công của hội nghị thượng đỉnh Arab - châu Âu sắp tới tại Sharm el-Sheikh. Hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt và kỳ vọng cao của EU.
Trong khi ưu tiên của các nước Arab tại hội nghị thượng đỉnh lần này là sự ủng hộ của EU trong giải quyết vấn đề phức tạp ở Libya, Syria và Yemen, ít nhất là về mặt tái thiết, kể cả cuộc chiến chống khủng bố, buôn lậu vũ khí. Đổi lại, ưu tiến hàng đầu của EU là ngăn chặn lán sóng nhập cư từ các nước Arab và Châu Phi.
Những cản trở hợp tác giữa hai khối
Trước hội nghị này, dư luận và ngay chính các bên liên quan cũng nhìn thấy những trở ngại khác nhau. Trở ngại đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh Arab - châu Âu chính là chưa thỏa thuận được về dự thảo tuyên bố chung dù trước đó các bên đã nhóm họp ở cấp bộ trưởng ngoại giao. Ngay cả Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Abul-Gheit đã tẩy chay hội nghị này vì cho rằng có nhiều bất đồng. EU muốn hội nghị bàn về vấn đề nhập cư và giải pháp. Nhưng đây lại không phải là nội dung mà các nước Arab muốn bàn thảo.
Thứ hai, các nước EU vẫn căng thẳng với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman liên quan tới vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán ở Istanbul vào đầu tháng 10 năm ngoái. Nhiều nguyên thủ các nước châu Âu không muốn ngồi cùng bàn hay chụp ảnh chung với Thái tử bin Salman. Tương tự với Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, các nước EU không muốn sự tham gia của ông Bashir vì những cáo buộc của ông về tội ác chiến tranh.
Thứ ba, nhiều vấn đề lớn của khu vực như xung đột Israel-Palestine, vấn đề hạt nhân Iran, cuộc chiến ở Syria, khủng hoảng vùng Vịnh… gần như cả EU và AL không thể cùng hợp tác giải quyết. Đó là một trong những thách thức chung của hai khối.
Liệu EU có đạt được mục đích?
Các nhà lãnh đạo EU kỳ vọng rất nhiều ở hội nghị lần này. Trước hết là vai trò vị trí của Ai Cập trong khu vực Arab và Châu Phi, nhất là khi Ai Cập là chủ tịch liên minh Châu Phi năm 2019. Ai Cập là đồng minh thân cận của EU trong nhiều lĩnh vực và hai bên hợp tác khá hiệu quả. Nhiều quan chức EU nói rằng, Ai Cập là một mô hình hiệu quả để đối phó với nhập cư bất hợp pháp và buôn lậu người. Ngoài việc kiểm soát chặt chẽ bờ biển, Tổng thống Ai Cập Sisi có thể có tác động quan trọng đối với quân đội và dân quân ở Libya nơi có nhiều người di cư cố gắng vào châu Âu thông qua Italy. Hợp tác với Ai Cập là một dấu hiệu mới cho thấy quyết tâm của Liên minh châu Âu trong việc ngăn chặn người nhập cư từ các nước Bắc Phi. EU muốn các nước dự hội nghị thấy giải pháp nổi bật nhất của Ai Cập trong chống nhập cư bất hợp pháp là ban hành luật kiểm soát, kiểm soát các dịch vụ an ninh và kiểm soát bờ biển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ Di trú.
Đổi lại, EU sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế và sẵn sàng bỏ hàng tỷ USD để đảm bảo các nước sẽ hợp tác ngăn chặn làn sóng nhập cư. Ngoài ra, có thể EU sẽ để xuất kế hoạch thiết lập "bãi đáp" người tị nạn và hoạt động của nhân viên cứu hộ tại các quốc gia Bắc Phi. Nhưng khả năng sẽ không có quốc gia châu Phi nào đồng ý.
Điều quan trọng nhất là mục đích của EU và AL tại hội nghị đã gần như khác nhau. Do đó khả năng hội nghị thành công là rất thấp và điều đó đồng nghĩa với việc EU khó đạt được mục đích của mình dù tổ chức ở Ai Cập hay lấy Ai Cập là mô thình kiểm soát thành công người nhập cư./.
EU và Liên đoàn Arab sẽ họp thượng đỉnh về vấn đề người di cư